Kiểm soát chất lượng nữ trang vàng: SJC, PNJ, Doji sẽ lên ngôi
Việc áp dụng Thông tư 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ kể từ ngày 1/6 vừa qua đã đem lại quyền lợi cho người tiêu dùng trong việc mua và sử dụng các sản phẩm nữ trang vàng. Người tiêu dùng được đảm bảo quyền lợi và đỡ lo ngại tình trạng “nhập nhèm” độ tuổi và giá vàng. Theo quy định tại Thông tư 22, các DN, cửa hàng mĩ nghệ bán vàng nữ trang thiếu tuổi, không công bố hàm lượng vàng từng sản phẩm, trọng lượng vàng sẽ bị phạt nặng.
Nhiều năm qua, thị trường không có chuẩn chung cho vàng nữ trang. Tình trạng ăn gian tuổi vàng khiến người tiêu dùng bị thiệt hại, mà không có cơ sở để đòi quyền lợi. Cụ thể, vàng 18K, theo tiêu chuẩn quốc tế phải có tỷ lệ vàng ròng là 75%, nhưng tại nhiều tiệm vàng, DN kinh doanh vàng, tỷ lệ này phổ biến là 65 - 68%, thậm chí có nơi chỉ còn 54 - 60%. Do đó, người mua thường mua đâu phải bán đó và sản phẩm khi bán bị ép giá rất nhiều, chỉ còn 40 - 50% giá trị lúc mua. Chính vì thế, Thông tư 22 đi vào thực tiễn được đánh giá là sát sườn trong công tác đo lường, tổ chức quản lý chất lượng vàng trang sức, đồng thời hạn chế được tình trạng chất lượng vàng mỗi nơi một kiểu, mỗi nơi một giá.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, trong khi các DN lớn đã sẵn sàng thực hiện Thông tư 22 thì nhiều DN nhỏ, sản xuất thủ công lại đang tỏ ra lúng túng trong xử lý hàng tồn kho, cũng như đầu tư máy móc.
Trao đổi với ĐTCK, bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc PNJ cho biết, hoạt động kinh doanh cốt lõi của PNJ lâu nay là sản xuất - kinh doanh nữ trang. Không phải đến thời điểm này, mà từ rất lâu, hoạt động kinh doanh vàng của Công ty đã thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế. Do vậy, việc áp dụng quy định mới đối với vàng nữ trang không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của PNJ. Ngược lại, sẽ có nhiều người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm nữ trang của những DN có uy tín và thương hiệu trên thị trường.
Lợi nhuận từ mảng kinh doanh nữ trang của PNJ tiếp tục tăng mạnh trong những tháng đầu năm. Quý I/2014, lợi nhuận từ mảng này tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái và duy trì đà tăng trong hơn 2 tháng qua.
Về vấn đề này, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, thời gian 9 tháng để chuẩn bị trước khi Thông tư 22 đi vào thực tiễn không phải là ngắn, nhưng chưa đủ để các DN nhỏ trong lĩnh vực nữ trang đáp ứng các quy định mới. Hiện các DN lớn kinh doanh về nữ trang chiếm khoảng 20% thị phần; 80% số nữ trang còn lại, chất lượng vẫn khó kiểm soát, trong đó có nữ trang nhập lậu.
“Để có thể thực hiện tốt quy định tại Thông tư 22, cần có thêm thời gian để chuẩn bị. Cần có lộ trình áp dụng theo từng giai đoạn”, ông Khánh nói.
Thực tế, không biết phải xử lý thế nào với hàng triệu sản phẩm nữ trang tồn kho không đúng tuổi là tình trạng chung của hầu hết DN, cửa hàng kinh doanh vàng nữ trang hiện nay. Không dám sản xuất mới, cũng không dám đưa số hàng cũ đi phân kim nấu lại, vì như vậy sẽ dẫn tới thua lỗ.
Nguồn Đầu tư Chứng khoán