Thứ Hai | 09/09/2013 12:14

Kiểm soát chặt đường đi của vàng nguyên liệu

Sắp tới NHNN sẽ ban hành Thông tư mới cho phép các doanh nghiệp được phép vay vốn mua vàng nguyên liệu sản xuất vàng nữ trang.
Trên số báo ra ngày 6/9, chúng tôi đã thông tin đến bạn đọc việc ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ cho doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ nhập khẩu vàng nguyên liệu. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Thời báo Ngân hàng đã phỏng vấn ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN.

Căn cứ vào đâu NHNN cho DN nhập khẩu vàng nguyên liệu, thưa ông?
Thời gian qua chúng tôi đã nhận được đề nghị của một số DN sản xuất vàng nữ trang trong nước cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu sản xuất vàng nữ trang trong nước. NHNN đang xem xét xử lý theo các quy định của Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 16/2012/TT-NHNN của NHNN ban hành liên quan đến việc nhập khẩu vàng nguyên liệu sản xuất vàng nữ trang trong nước.

Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng của Chính phủ và Thông tư 16 nêu rõ: NHNN là cơ quan xem xét cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các DN sản xuất vàng nữ trang trong nước.

Để được cấp phép nhập khẩu, DN phải đáp ứng các điều kiện như: có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; được NHNN cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức. Nhưng quan trọng nhất, DN phải lập được kế hoạch sản xuất kinh doanh cụ thể, giải trình năng lực sản xuất thực tế của DN để NHNN làm căn cứ xem xét cấp lượng vàng nguyên liệu được phép nhập khẩu.

Ngoài ra, DN không được vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trong thời hạn 12 tháng liền kề, trước thời điểm đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Hiện đã có bao nhiêu đơn vị đề nghị được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu?
Cho đến thời điểm này, NHNN đã nhận được 3 đơn đề nghị xin cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu của các DN sản xuất vàng nữ trang lớn trong nước. Và cho đến ngày 6/9/2013, NHNN đã đồng ý về nguyên tắc cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang cho 2 DN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh do hội tụ đủ các điều kiện quy định đưa ra tại Nghị định 24 và Thông tư 16.

Việc DN được phép nhập khẩu liệu có ảnh hưởng gì đến các chỉ số kinh tế vĩ mô?

Tôi cho rằng, việc các DN đề nghị được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên vàng nguyên liệu nhập khẩu từ thị trường quốc tế cũng có những biến động tăng giảm khó lường, nên bản thân các DN phải tính toán lượng nhập khẩu hợp lý để tránh thua lỗ mà vẫn đảm bảo hoạt động kinh doanh.

Qua khảo sát thực tế của NHNN, thông thường mỗi lần nhập khẩu các DN chỉ nhập lô vàng tương đối nhỏ từ 10kg đến 50 kg để sản xuất kinh doanh trong thời gian nhất định. Bởi không như vàng miếng, có mức chênh lệch nhất định về giá giữa vàng trong nước và thế giới, với vàng nguyên liệu giá nhập khẩu nhiều khi tương đương với giá trong nước.

Điều này đặt ra hai vấn đề: thứ nhất khi DN nhập khẩu vàng nguyên liệu với lô lớn, nếu giá vàng thế giới rơi mạnh thì họ sẽ gặp khó khăn, nên DN phải tính kỹ khi nào nhập, nhập bao nhiêu. Như tôi được biết các DN FDI dù là tạm nhập tái xuất nhưng có lô họ cũng chỉ nhập 5 kg. Còn ở nước ngoài các DN chỉ nhập khẩu vàng nguyên liệu sản xuất vàng nữ trang khi họ có đơn hàng. Thứ hai, vì giá vàng nguyên liệu trong nước và thế giới tương đương nhau nên DN sẽ cân nhắc nên nhập hay mua trong nước.

Do vậy, về tổng thể vấn đề nhập khẩu vàng nguyên liệu sản xuất vàng nữ trang không có tác động nhiều tới sự ổn định kinh tế vĩ mô. Mà còn tác động tích cực đến thị trường vàng khi việc cho nhập khẩu vàng nguyên liệu đáp ứng cho việc sản xuất vàng nữ trang trong nước sẽ hạn chế tình trạng vàng lậu.

Khi NHNN cho phép DN nhập vàng nguyên liệu thì làm thế nào để kiểm soát được việc vàng lậu được “trộn” với vàng cấp phép?
Về vấn đề này, tôi đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Thanh Trúc - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty vàng Agribank Việt Nam rằng khi vàng nguyên liệu đã được nhập lậu về trót lọt và bán cho các DN sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ thì rất khó để truy đâu là vàng có phép, đâu là vàng lậu. Vì vậy rất cần sự quản lý chặt chẽ về chất lượng vàng trang sức của các cơ quan liên quan như quản lý thị trường, hải quan… Đặc biệt, Bộ Khoa học và Công nghệ cần sớm hoàn thiện để ban hành Thông tư quản lý chất lượng vàng trang sức.

Về mặt vĩ mô, NHNN không thể kiểm soát được vàng nhập lậu mà phải từ các lực lượng chức năng liên quan. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, khi NHNN chính thức cho nhập khẩu vàng nguyên liệu thì vàng lậu vào Việt Nam sẽ giảm đi. Vì không chỉ do chênh lệch giá không đáng kể, mà nếu bị an ninh bắt được, họ sẽ mất trắng và còn vướng vào lao lý.

Nếu chiểu theo các quy định đối với các DN kinh doanh vàng miếng, có vẻ điều kiện áp dụng đối với DN kinh doanh vàng trang sức “lỏng” hơn?
Nếu chỉ nhìn bề ngoài thì có thể nhận định là NHNN “lỏng tay” hơn với vàng nguyên liệu. Thực tế chúng tôi có biện pháp quản lý khác.

Đơn cử, có thể NHNN cấp phép cho các DN được nhập khẩu 1 tấn trong một thời gian 3 – 4 tháng nhưng NHNN yêu cầu DN phải nhập theo lô, và mỗi lô tối đa không được quá 100kg. Sau mỗi lô vàng đưa vào sản xuất các DN phải chuyển hóa đơn chứng từ cho NHNN kiểm tra. Qua đó, NHNN nắm rõ được số vàng họ nhập được sử dụng như thế nào, có đúng mục đích không. Nếu đúng mục đích NHNN mới tiếp tục cấp phép nhập thêm. Điều đó có nghĩa là NHNN kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng số vàng nguyên liệu nhập khẩu của các DN kinh doanh vàng trang sức.

Ngoài việc cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang thì NHNN dự kiến có biện pháp gì hỗ trợ DN sản xuất vàng nữ trang trong nước?

Sắp tới NHNN sẽ ban hành Thông tư mới sửa đổi Thông tư 33/2011/TT-NHNN. Điểm nhấn của Thông tư này là sẽ cho phép các DN được phép vay vốn mua vàng nguyên liệu sản xuất vàng nữ trang. Trước đây, theo Quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng tại Thông tư 33, các TCTD không được cho khách hàng vay vốn để mua vàng, trừ trường hợp được Thống đốc NHNN chấp thuận cho phép vay vốn mua vàng để sản xuất vàng miếng, sản xuất, gia công vàng trang sức mỹ nghệ và cho vay để nhập khẩu vàng nguyên liệu theo giấy phép của NHNN.

Như vậy, việc được tiếp cận vốn vay ngân hàng sẽ tạo điều kiện cho các DN có thêm nguồn vốn mới để kinh doanh vàng trang sức. Tuy nhiên, NHNN sẽ đưa ra những điều kiện chặt chẽ để nhằm tránh trường hợp DN này sử dụng vốn sai mục đích.

Chất lượng vàng trang sức trong thời gian tới sẽ được quản lý thế nào, thưa ông?
Tại khoản 4 Điều 17 Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012, Chính phủ giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm thực hiện ban hành tiêu chuẩn chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ; kiểm tra, thanh tra và quản ký chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường và kiểm định phương tiện đo của các doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Theo tôi được biết, sắp tới Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ ban hành Thông tư “Quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường”. Hiện, Bộ cũng đang khẩn trương tiến hành mua máy móc kiểm định chất lượng vàng...

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Nguồn Thời báo Ngân hàng


Sự kiện