KIDO đặt mục tiêu lãi trước thuế năm 2019 tăng 70%
Sáng 14/6, Tập đoàn KIDO (KDC) tiến hành Đại hội đồng cổ đông. Theo bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Phó Tổng giám đốc KDC, dù năm 2018 kinh tế tăng trưởng ổn định, tích cực nhưng nhiều ngành đã không thuận lợi. Chẳng hạn, ngành FMCG được dự báo tăng trưởng 6-7% nhưng thực tế chỉ tăng 1,9%. Hay ngành dầu ăn gặp khó khăn kép khi giá dầu cọ giảm 21% còn tỉ giá USD/VND tăng 2,1%. Ngành kem bị cạnh tranh khốc liệt. Sữa chua gặp áp lực giảm giá, còn sản phẩm đông lạnh bị tác động từ biến động thị trường thịt heo.
Đứng trước bối cảnh đó, KIDO đã có nhiều giải pháp giảm thiểu các tác động bên ngoài và củng cố nền tảng nội lực. Đối với thực phẩm đóng gói, KIDO đẩy mạnh chiến lược nâng cao vị thế thông qua các công ty thành viên, gồm Vocarimex- đơn vị kinh doanh dầu thương mại tích hợp quy mô lớn, sở hữu nền tảng logistic vững mạnh và dẫn đầu xuất khẩu dầu ăn; Tường An- thương hiệu 41 năm và đứng thứ 2 về thị phần; Đặc biệt, năm 2018, KIDO đã hoàn tất mua lại 51% cổ phần ở Golden Hope Nhà Bè. Đây là Công ty trong top 3 thị trường và sở hữu nền tảng khách hàng công nghiệp quy mô lớn.
Đối với thực phẩm đông lạnh, KIDO chú trọng, cơ cấu quy hoạch lại danh mục theo hướng cao cấp hóa sản phẩm, phát triển sản phẩm cốt lõi, phát triển khẩu vị địa phương. Bên cạnh đó, KIDO đã quyết định đứng ngoài cuộc đua giảm giá, khuyến mãi trên thị trường sữa chua và thận trọng trong tung ra sản phẩm mới ngành thực phẩm lạnh.
Với những nổ lực điều chỉnh kế sách linh hoạt, kịp thời, KIDO đã phục hồi đáng kể từ quý IV.2018 cho đến nay. Kết thúc năm 2018, KIDO đạt doanh thu thuần 7.609 tỉ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ còn lãi trước thuế đạt 177 tỉ đồng. Trong đó, lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh đạt 133 tỉ đồng, chiếm 75% trong cơ cấu lợi nhuận năm 2018 của KIDO, đạt tăng trưởng 40% so với cùng kỳ.
Bước sang năm 2019, KIDO nhận định kinh tế tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong khi lương cơ bản chỉ tăng 7,2% thì các chỉ số tiêu dùng thiết yếu lại dự báo tăng mạnh (giá điện: ước tăng 7-9,7%, xăng dầu ước tăng 8,1-9,5%..). Căn cứ những yếu tố rủi ro tiềm ẩn, xem xét triển vọng thị trường (quy mô ngành dầu ăn dự báo đạt 34.000 tỉ đồng năm 2023, thu nhập bình quân dự báo tăng lên 3400 USD/năm vào năm 2020, ngành lạnh tăng trưởng kép giai đoạn 2017-2022 alf 7%..) và lợi thế nền tảng, KIDO đã đề ra kế hoạch kinh doanh thận trọng. Cụ thể, KIDO đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2019 là 8.300 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 300 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 9,1% và 70% so với năm 2018.
Để đạt mục tiêu kinh doanh này, KIDO dự kiến sẽ tăng cường tích hợp lợi thế về hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng, hoạt động marketing và nhất là hệ thống các quy trình- chính sách ở các công ty thành viên. Từ đây, trong ngành thực phẩm đóng gói, KIDO sẽ tiếp tục cao cấp hóa sản phẩm, phát triển hệ thống phân phối, tăng cường phát triển thương hiệu, tiếp tục mở rộng và thâm nhập ngành mới. Ở ngành dầu ăn, KIDO định hướng hỗ trợ các công ty thành viên thực hiện dịch chuyển sang lĩnh vực kinh doanh kênh công nghiệp và mở rộng thị trường xuất khẩu dầu.
Theo đánh giá của KDC, phân khúc khách hàng công nghiệp chiếm hơn 1/3 tỉ trọng quy mô ngành dầu Việt Nam và có xu hướng tăng mạnh do các doanh nghiệp thuộc ngành FMCG mở rộng hoạt động. Vì thế, KDC sẽ tập trung vào chiến lược bán dầu cho doanh nghiệp (kênh B2B). Ở mảng xuất khẩu, KIDO sẽ tìm kiếm, xây dựng mối quan hệ để xuất khẩu dầu sang các thị trường mới và hỗ trợ các công ty thành viên nghiên cứu, phát triển những nhóm sản phẩm đặc thù, có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn riêng biệt của từng thị trường tiềm năng. Trong ngành kem, KIDO định hướng vẫn tập trung phát triển sản phẩm cốt lõi, cao cấp hóa sản phẩm và tăng cường khẩu vị địa phương, Trong mảng sữa chua, KIDO chủ trương cơ cấu danh mục sản phẩm để thâp nhập thị trường. KIDO vẫn sẽ theo đuổi chiến lược “Lấp đầy gian bếp Việt” nhưng mở rộng ngành hàng mới cẩn trọng, theo các điều kiện thị trường và lấy nhu cầu người tiêu dùng làm trọng tâm.
Năm 2019, cổ đông KIDO cũng thông qua mức chi trả cổ tức là 12%/vốn điều lệ.