KIDO - Thành Thành Công: Chiếm lĩnh thị trường đường nội địa
→Áo mới cho Mía đường Thành Thành Công
Theo thỏa thuận hợp tác chiến lược ký kết ngày 12/12, hai tập đoàn TTC và KIDO đã đặt ra kế hoạch phát triển ngành đường và mở rộng các dòng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị của thương hiệu Việt từ cung ứng, sản phẩm, phân phối...
Theo bà Trần Quế Trang, Phó Tổng giám đốc Thường trực Công ty CP Thành Thành Công Biên Hòa, một thành viên của TTC Group lộ trình hợp tác giữa Tập đoàn TTC và Tập đoàn KIDO gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, kể từ ngày 1.1.2018, ngành đường TTC chịu trách nhiệm sản xuất, cung ứng đường Biên Hòa Daily để KIDO phân phối trên hệ thống hơn 200 nhà phân phối và 450.000 điểm bán lẻ. Giai đoạn 2, dưới sự bảo trợ, nhượng quyền của TTC, hai bên sẽ phát triển thêm các dòng sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Dự kiến doanh thu đường được phân phối trên kênh của KDC trong năm 2018 đạt khoảng 60.000 tấn, tương đương 1.100 tỷ đồng; đến năm 2020, KDC dự kiến sản lượng phân phối sẽ đạt trên 200.000 tấn.
Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc KDC, cho biết, thoả thuận hợp tác giữa KDC và TTC được thực hiện dựa trên cơ sở tích hợp và phát huy thế mạnh của cả hai bên.
Kido sẽ nhảy vào lĩnh vực đường ở thời điểm mà Nghị định ATIGA có hiệu lực. Kể từ năm sau, Việt Nam sẽ buộc xóa bỏ các hạn ngạch và hàng rào thuế quan cũng sẽ về 0% vào năm 2020. Nghĩa là áp lực cạnh tranh với đường nhập khẩu, nhất là đường Thái Lan sẽ càng tăng lên.
Theo chia sẻ từ phía Kido, đường cũng là một trong các mặt hàng thực phẩm cần thiết của gia đình. Kido với chiến lược “lắp đầy gian bếp Việt” thì không thể không tham gia vào ngành này. Ở góc độ bài toán kinh doanh, lãnh đạo Kido cho rằng, vận chuyển và giao đến điểm bán một xe hàng, với đủ loại thực phẩm từ mì gói, dầu ăn, gia vị, nước chấm, đường... thì sẽ đạt hiệu quả chi phí cũng như tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn.
Bước chuyển hướng của TTC, từ tự phân phối sang sử dụng hệ thống phân phối bên ngoài cho thấy, TTC ưu tiên bài toán chi phí. Hơn thế, kênh phân phối của Kido, với độ phủ lớn gấp đôi TTC sẽ giúp TTC đẩy mạnh mảng đường tiêu dùng.
So với 7 năm trước, khi TTC mới bắt đầu phát triển mảng kinh doanh đường tiêu dùng, sản lượng đường bán ra thị trường từ chỗ chỉ khoảng 10.000 tấn đường (năm 2010), tức chiếm 5% tổng lượng đường tiêu thụ của TTC, thì nay mục tiêu này đã tăng gấp 10 lần.
Ngoài đường tiêu dùng, TTC còn phát triển các sản phẩm đường khác như đường công nghiệp, phục vụ các ngành bánh kẹo, sữa... Bên cạnh đó, TTC cũng nghiên cứu sản xuất các loại đường cho giá trị gia tăng cao, như đường organic. Hệ thống phân phối của TTC vẫn giữ vai trò phân phối các sản phẩm đường còn lại của TTC.
Thực tế, theo ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch TTC, bắt tay giữa TTC và Kido là cái bắt tay ý nghĩa giữa 2 thương hiệu Việt, để tạo sức mạnh cùng đứng vững trước xu thế hội nhập và trước các áp lực cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài.
Hiện nay, ngành đường TTC có hơn 200.000 điểm bán trên 63 tỉnh thành toàn quốc. Sự hợp tác này sẽ nhanh chóng mở rộng hệ thống phân phối thêm hơn 400.000 điểm bán, bao gồm các điểm bán hiện hữu của KIDO. Đây có thể xem là lợi thế trong mục tiêu đưa đường Biên Hòa Daily hiện diện đến từng điểm bán lẻ các khu vực ba miền Bắc, Trung, Nam.
Có mặt trên thị trường trong 50 năm qua với 9 nhà máy đặt tại duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Lào, TTC đạt tổng công xuất 46.100 tấn mía/ngày.
Ngoài sở hữu những sản phẩm mía đường chất lượng dành cho những khách hàng công nghiệp khó tính nhất, TTC còn sở hữu vùng nguyên liệu dồi dào, triển vọng là thủ phủ mới của mía đường tại Việt Nam.
Theo thống kê của Nielsen, tổng nhu cầu tiêu dùng đường tại Việt Nam qua các năm đang tăng, trong đó, 2016 khu vực thành thị tiêu dùng 20kg/người/năm, còn nông thôn 10kg/người/năm. Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tổng nguồn cung đường năm 2017 dự đạt 1,7 triệu tấn, trong đó sản xuất khoảng 1,3 triệu tấn. |