Ảnh: Qúy Hòa

 
Thứ Hai | 16/03/2020 08:00

Kích cầu, kích cung: Đúng nơi, đúng thời điểm

Không có chính sách kích cầu nào hiệu quả bằng việc khống chế được COVID-19...

Giá dầu thô có mức giảm lịch sử kể từ Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 do bất đồng về cắt giảm sản lượng giữa các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn trên thế giới. Với mức giá dầu trung bình năm 2018 là 64 USD/thùng, doanh thu dầu khí Việt Nam đóng góp vào khoảng 10% GDP. Nhu cầu dầu mỏ cũng giảm mạnh, như Trung Quốc thông báo cắt giảm từ 20-25% nhu cầu, sẽ càng đẩy giá xuống thấp. Nếu giá dầu sắp tới giảm xuống dưới 30USD, hoặc duy trì ở mức 32 USD/thùng, Chính phủ buộc phải tăng đầu tư công, kích thích tiêu dùng nội địa và xuất khẩu để bù lại, nhất trong bối cảnh bị suy giảm kép do hậu quả của dịch COVID-19.

Giá dầu suy giảm khiến hụt thu ngân sách, nhưng ở góc độ vi mô thì lại có thể giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Vấn đề là để tăng trưởng, trên lý thuyết, chính sách kích cầu phải được thực hiện cùng lúc với kích cung. Các chính sách hỗ trợ nhằm giảm chi phí trong ngắn hạn như giảm giá yếu tố đầu vào như giảm lãi suất, giãn thuế… về mặt vi mô là giúp duy trì sản xuất hiện hữu, giúp các doanh nghiệp tồn tại, về mặt vĩ mô là duy trì ổn định việc làm. Các khoản giảm chi phí này không làm tăng thu nhập khả dụng của hộ gia đình trong ngắn hạn mà làm tăng lợi nhuận của doanh nghiệp và sau một thời gian mới trở thành thu nhập khả dụng cho hộ gia đình.

 

Một chính sách kích cung là cần thiết để giữ ổn định nền kinh tế, còn kích cầu bằng các chính sách kinh tế có thể cần xem xét lại ở tầm nhìn dài hạn hơn. Động lực tiêu dùng lớn nhất là khi Việt Nam chống được dịch thành công, được thế giới đánh giá cao. Tất nhiên việc giảm thuế gián tiếp như VAT trong ngắn hạn cũng giúp tăng tiêu dùng đối với số đông, qua đó hỗ trợ tăng trưởng.

Thâm hụt ngân sách chắc chắn sẽ gia tăng, chính sách tài khóa tăng lượng tiền cơ sở sẽ có thể gây lạm phát. Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách do đầu tư vào hạ tầng, phần giảm thu là do điều tiết chính sách thuế nhằm kích thích kinh tế, chi cho bảo vệ sức khỏe… không phải là vấn đề đáng quan tâm. Thâm hụt ngân sách sẽ gia tăng nợ công, nhưng với cách tính GDP mới, trần nợ công/GDP được giảm xuống, dư địa cho việc tăng nợ công để duy trì tăng trưởng kinh tế được nới rộng là yếu tố thuận lợi cho việc ra những quyết định chính sách. Tất nhiên, mức nợ tuyệt đối sẽ gia tăng gây áp lực lên khả năng trả nợ sau này. Như vậy, lộ trình tăng thuế theo khuyến nghị của World Bank sẽ sớm được thúc đẩy để bù vào mức thâm hụt ngân sách, trả nợ công.

Xuất khẩu Việt Nam phụ thuộc vào nguyên vật liệu từ Trung Quốc, do đó phụ thuộc vào kết quả khống chế dịch bệnh và phục hồi sản xuất của Trung Quốc. Tin mừng là phòng chống dịch COVID-19 có nhiều tín hiệu khả quan tại Trung Quốc. Với quyết tâm phục hồi kinh tế của nước này, việc nối lại nguồn cung ứng nguyên vật liệu phục vụ cho trung gian sản xuất - xuất khẩu của Việt Nam trong quý II có tính khả khi cao.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ thị 7 nhóm giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn, ứng phó dịch bệnh, trong đó có gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng. Dù diễn biến giai đoạn 2 phức tạp hơn giai đoạn 1, nhưng với kinh nghiệm của Chính phủ và ưu thế của huy động chính trị trong việc triển khai chống dịch, Việt Nam có nhiều cơ sở để tự tin chống dịch COVID-19.

Trước mắt, có những hoạt động rất quan trọng. Một là, phải giữ được tăng trưởng xuất khẩu qua thị trường Mỹ; chìa khóa là “ngoại giao kinh tế” hiệu quả. Hai là, tăng xuất sang thị trường EU trong 2 quý cuối năm để bù lại phần suy giảm. Mức tăng trưởng GDP năm 2020 có thể phải điều chỉnh, nhưng dự kiến Chính phủ sẽ không để dưới 6,5%.

 

Xuất khẩu đang có chuyển hướng mạnh mẽ từ thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật sang các thị trường mới khác như Mỹ, Ấn Độ, châu Âu với nhiều con số lạc quan. Trong bối cảnh dịch bệnh, xuất khẩu của Việt Nam ở một số ngành vẫn tăng, cho thấy hỗ trợ xuất khẩu ròng nhằm tăng tổng cầu trong tương lai. Các dự án hạ tầng sắp tới sẽ được thúc đẩy triển khai nhanh chóng… và nhiều dự án giao thông quan trọng chuyển sang đầu tư công, có thể chỉ định thầu. Những dòng vốn đầu tư gián tiếp mới vào từ EU, Trung Quốc sẽ tạo nên những hứng khởi cho thị trường trong ngắn hạn. 

Nhìn về dài hạn, một số ngành sản xuất như điện tử, dệt may, da giày chiếm tỉ trọng xuất khẩu lớn nhưng nguyên phụ liệu đều phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Muốn nâng tổng cầu hiệu quả, gói hỗ trợ trên cần đầu tư mạnh vào công nghiệp phụ trợ các ngành sản xuất này nhằm phát triển sản xuất trong nước, ổn định việc làm và quan trọng hơn là xuất khẩu thu giá trị gia tăng cao hơn.

Sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với sự thịnh vượng của mỗi quốc gia. Cùng với nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh của Chính phủ, việc tăng cường liên kết giữa các thành phần kinh tế sẽ góp phần bảo đảm khả năng phát triển bền vững không chỉ cho các doanh nghiệp mà cho cả nền kinh tế.

Phạm Việt Anh

Chuyên gia tư vấn tăng trưởng doanh nghiệp