Kịch bản lãi suất năm 2019
Hai kịch bản lãi suất được đưa ra nhưng nghiêng về phía biến động tăng không quá nhiều.
Năm 2019 mở màn với động thái công bố quyết định giảm lãi suất cho vay tiền đồng của nhiều ngân hàng lớn tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngân hàng mới đây. Có thể nói chuyện các ngân hàng lớn “đồng tâm hiệp lực” công bố giảm lãi suất là chuyện thường làm từ nhiều năm nay.
Trong năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động giảm lãi suất chào mua trên thị trường mở, từ 5% xuống còn 4,75%/năm, nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, dù rất nỗ lực nhưng các ngân hàng vẫn chưa thể giảm lãi suất như mong muốn.
Câu chuyện lãi suất mới đây lại trở thành mối lo ngại với nhiều khách hàng, khi nhìn vào tín hiệu tăng lên từ tháng 10 năm ngoái. Theo đó, lãi suất huy động tăng khá nóng và đồng loạt trên thị trường, đặc biệt là ở khoản tiền gửi có kỳ hạn ngắn vào những tháng cuối năm 2018. Thống kê cụ thể hơn cho thấy lãi suất huy động bắt đầu tăng mạnh từ cuối tháng 10 đến nay. Mặc dù đến thời điểm hiện tại, lãi suất cũng đã duy trì ổn định ở mức 4,8-5,5% với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,5-7,6% cho kỳ hạn 6-12 tháng và khoảng 6,8-8,6% cho kỳ hạn 12-13 tháng.
Mặt bằng lãi suất năm 2018 nhìn chung cao hơn so với năm trước đó. Thực tế, nhiều chuyên gia khẳng định rằng lãi suất huy động tăng cao có yếu tố mùa vụ, vì lãi suất thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm, sát thời điểm Tết Âm lịch. Tuy nhiên, lãi suất huy động đầu vào tăng lên dẫn đến những lo ngại về việc điều chỉnh lãi suất đầu ra ở nhiều ngân hàng vì chi phí vốn của các tổ chức tín dụng đã tăng lên đáng kể.
Trong năm nay, kịch bản lãi suất tăng tiếp tục được các tổ chức tín dụng dự báo. Tại Hội thảo về thị trường tiền tệ - bất động sản diễn ra mới đây, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ phó Vụ Chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước, dẫn lại cuộc khảo sát 28 tổ chức tín dụng. Trong đó có 17 tổ chức tín dụng đánh giá rằng lãi suất năm nay sẽ tăng, với mức tăng không đáng kể.
Mặt bằng lãi suất dự kiến sẽ diễn biến tương tự với lạm phát và tỉ giá, 2 nhân tố được kiểm soát khá tốt trong năm 2018 và dự kiến tiếp tục ổn định trong năm nay. Trên thực tế, theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh, Thành viên Tổ Tư vấn Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, thị trường Việt Nam ngày càng có độ mở lớn hơn với kinh tế thế giới và áp lực lãi suất chủ yếu đến từ dòng vốn ra - vào quốc gia. Kinh tế thế giới đã thay đổi đáng kể từ hồi tháng 6, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bắt đầu nổ ra và Việt Nam cũng không ngoại lệ, ảnh hưởng trực tiếp đến dòng vốn ra - vào và tỉ giá.
Trong năm ngoái, VND là một trong những đồng tiền giữ giá tốt nhất khu vực, giúp hạn chế xu hướng rút vốn ra khỏi thị trường và ổn định vĩ mô. Tính chung cả năm 2018, VND đã mất giá khoảng 2,2-2,3% so với USD, thấp hơn khá nhiều so với mức mất giá của euro, GPB và CNY (lần lượt là 4,5%, 5,7% và 5,4%) (theo số liệu của Công ty Chứng khoán SSI). “Trong năm qua, dòng tiền tháo chạy khỏi các nền kinh tế mới nổi nhưng Việt Nam vẫn có dòng tiền dương đi vào”, ông Nghĩa nhận định.
Trong năm nay, SSI đánh giá sẽ ít có khả năng xảy ra những diễn biến “giật cục” ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường. Tuy nhiên, một điều đáng chú ý là nhân dân tệ sẽ tiếp tục mất giá, gây sức ép nhất định lên tiền đồng và gián tiếp gây sức ép lên lãi suất. Bối cảnh tiếp theo vẫn là tình trạng các đồng tiền lớn như USD có xu hướng tăng giá, dẫn đến đồng tiền khác tiếp tục chịu áp lực. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng mức tăng trong năm 2018 đã đến ngưỡng, năm nay cũng khó lòng mà tăng mạnh.
Một yếu tố khác ảnh hưởng đến lãi suất còn là việc cải thiện được tình trạng vốn giải ngân đầu tư công hiện đang rất chậm. “Nếu năm 2019 thúc đẩy được dòng vốn này giải ngân nhiều hơn ra thị trường, thì các ngân hàng sẽ giảm bớt áp lực tăng lãi suất”, ông Tú Anh cho biết.
Hiện nay, các chuyên gia đều đưa ra 2 kịch bản. “Mặt bằng lãi suất sẽ đứng ở mức cao và không loại trừ việc nhích tăng nếu xuất hiện áp lực tỉ giá. Một khi tỉ giá hay lạm phát được kiểm soát tốt, cùng với nhu cầu kích thích kinh tế, Ngân hàng Nhà nước có thể sẵn sàng điều chỉnh giảm lãi suất”, Công ty Chứng khoán SSI nhận định.
Tuy nhiên, đánh giá lạc quan hơn từ phía Ủy ban Giám sát Tài chính cho rằng lãi suất trong năm 2019 có nhiều yếu tố thuận lợi như áp lực lạm phát giảm bớt khi giá dầu thế giới không biến động nhiều và đồng USD dự báo suy yếu làm giảm áp lực từ phía tỉ giá.
Ngược lại, lãi suất chịu áp lực vì giá cả hàng hóa thế giới biến động và các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nguồn vốn nhằm bảo đảm các tỉ lệ an toàn như tỉ lệ vốn vay ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống mức 40% và phải chuẩn bị tăng vốn cấp 2 theo Basel II, báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định”.