Kịch bản cho thị trường hàng hóa nếu kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3%
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đang nỗ lực kiềm chế bùng nổ tín dụng, ngăn chặn bong bóng bất động sản đồng thời tăng cường bảo vệ môi trường, Điều này dẫn tới nguy cơ kinh tế Trung Quốc rơi vào suy thoái, ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng khôi phục kinh tế toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay ước tính xuống thấp nhất 23 năm đang tác động mạnh tới thị trường hàng hóa, làm tổn thương xuất khẩu khoáng sản các nước Australia, Brazil và Nam Phi. Các nhà khai mỏ lớn đã bắt đầu thu hẹp quy mô sản xuất.
Trung Quốc là nước tiêu thụ hàng hóa lớn trên thế giới với nhu cầu tiêu thụ kim loại công nghiệp và năng lượng xếp hàng đầu thế giới. Năm 2012, Trung Quốc tiêu thụ 646 triệu tấn thép, nhiều hơn gấp đôi tổng lượng tiêu thụ các nước châu Á khác. Những năm gần đây, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của 2 nước chuyên xuất khẩu hàng hóa nguyên liệu là Brazil và Chile. Năm ngoái, Trung Quốc mang lại 90% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của 2 nước này.
Từ khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại trong năm nay, giá hàng hóa nguyên liệu giảm mạnh. Giá quặng sắt giảm 17% từ mức cao nhất 18 tháng hồi tháng 2. Chỉ số giá S&P GSCI của 24 hàng hóa nguyên liệu thô giảm 4,7% trong tháng 4, giảm mạnh nhất gần 1 năm.
Trong trường hợp tốc độ tăng trưởng Trung Quốc giảm mạnh, Societe Generale khuyến nghị khách hàng nên bán các hợp đồng mua ròng đồng, mua USD và trái phiếu chính phủ, đồng thời bán các đồng tiền của Nga, Nam Phi và Chile.
Theo các chuyên gia kinh tế của Barclays, với kịch bản tồi tệ nhất khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc xuống 3% trong vòng 3 năm nữa, giá đồng sẽ giảm hơn 60%, kẽm giảm một nửa và giá dầu xuống 70 USD/thùng. Còn theo Nomura, tốc độ tăng trưởng Trung Quốc xuống 5,9% trong năm tới sẽ khiến giá kim loại giảm hơn 30% và giá dầu giảm hơn 20% so với hiện nay.
Nguồn Dân Việt/Bloomberg