Khủng hoảng Hy Lạp: Chẳng là gì so với Trung Quốc
Trong một bài viết đăng trên website của mình mang tên “Khủng hoảng Hy Lạp chẳng là gì so với Trung Quốc”, CNN cho rằng “Hãy quên Hy Lạp đi. Trung Quốc mới là vấn đề thực sự.”
Theo phân tích từ bài viết, dân số Hy Lạp còn chưa bằng bang Ohio của Mỹ, còn GDP cao hơn không nhiều so với các nền kinh tế như Kazakhstan, Algeria và Qatar. Trong khi đó, Trung Quốc có dân số khoảng 1,4 tỷ người và là nước có GDP lớn thứ hai thế giới.
Chỉ số chứng khoán Shanghai Composite và Shenzhen Composite của Trung Quốc đều đã giảm khoảng 30% so với các mốc cao đạt được cách đây chưa đầy 1 tháng do lo ngại thị trường nước này đang bong bóng.
Chính quyền Trung Quốc đang thực hiện các biện pháp nhằm cố gắng giảm thiểu đà bán tháo trên thị trường, nhưng điều đó có thể mang lại kết quả trái ngược với mong đợi.
Giới chức Trung Quốc hôm 5/7 công bố họ sẽ cấp thêm tiền cho một định chế cho phép tăng hoạt động cho vay ký quỹ - tức cho vay thêm tiền để mua cổ phiếu. Nhưng hoạt động mua cổ phiếu dựa trên ký quỹ rất rủi ro.
Nhiều chuyên gia tin rằng chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh trước đó trong năm nay một phần là do nhà đầu tư vay tiền để “chơi chứng khoán”. Và khi thị trường bắt đầu điều chỉnh giảm trong tháng trước, phần đông trong số các nhà đầu tư đó đã nhanh chóng bán cổ phiếu để trả tiền vay. Điều đó đã khiến giá cổ phiếu giảm còn nhanh hơn.
Thị trường có thể sẽ còn tồi tệ hơn khi nhà đầu tư nhận ra rằng kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Điều đó có nghĩa là chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh gần đây không phải nhờ các yếu tố cơ bản, mà có vẻ là do hoạt động đầu cơ và do tiền đi vay.
Động thái tiếp tục mua cổ phiếu của các công ty chứng khoán Trung Quốc cho đến khi chỉ số Shanghai Composite đạt được một mức nào đó cũng được coi là vấn đề. Nó đồng nghĩa với việc chính phủ có thể đang thổi phồng giá trị của các công ty lớn hơn để bù đắp cho các công ty nhỏ hơn.
Kết quả là chỉ số Shanghai Composite – thước đo giá trị của nhiều công ty lớn – đã tăng hơn 2% hôm 6/7, còn chỉ số Shenzhen Composite – thước đo giá trị cổ phiếu các công ty nhỏ hơn – lại giảm gần 3%.
Sự méo mó của thị trường này khiến dòng vốn chảy vào các công ty lớn do nhà nước nắm cổ phần chi phối. Nhưng điều này có thể tạo ra lý do để thị trường tiếp tục chứng kiến một đợt rơi tự do khác trong tương lai gần.
Tại sao vấn đề này tại Trung Quốc lại ảnh hưởng đến các thị trường trên thế giới? Chứng khoán rớt giá nhanh thường là dấu hiệu của một nền kinh tế đang bị xáo trộn. Hãy nhớ lại năm 2008? Và năm 2000 nữa?
Vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của cả Mỹ và Châu Âu, nên nếu kinh tế Trung Quốc hoạt động lành mạnh thì mới tốt cho các nước phát triển đó.
Mọi người đều đang bàn tán về khả năng khủng hoảng Hy Lạp lây lan nếu nước này bị buộc phải rời khỏi khu vực đồng Euro, nhưng điều đó có vẻ là thái quá.
Các chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Hoàng gia Scotland tuần trước đã có phân tích cho thấy, các ngân hàng của Mỹ sẽ chịu tác động từ Trung Quốc nhiều gấp 10 lần so với từ Hy Lạp.
Một nhà phân tích khác cho rằng tâm lý bất ổn sẽ lan khắp Châu Á và cả các khu vực khác nếu Trung Quốc không ngăn chặn được đà bán tháo trên thị trường cổ phiếu.
Vì Trung Quốc cũng là một nước tiêu thụ hàng hóa khổng lồ.
Giá dầu thô đã giảm mạnh hôm 6/7. Chẳng lẽ do nhu cầu dầu mỏ của Hy Lạp giảm? Cũng đúng, nhưng còn một nguyên nhân lớn hơn là do lo ngại về kinh tế Trung Quốc.
Dĩ nhiên, không thể hoàn toàn bỏ qua Hy Lạp. Nhưng “Trung Quốc mới là nguyên nhân gây lo ngại nhiều hơn cho kinh tế toàn cầu – và cả cho danh mục đầu tư của bạn nữa”, bài viết của CNN Money kết luận.
Nguồn NDH