Năm 2023 là cột mốc đáng nhớ của ngành khi nhiều dự án quan trọng đã nhận được quyết định triển khai, giải quyết được tình trạng cạn kiệt trữ lượng dầu khí. Ảnh: TL.
Khu vực Thượng nguồn sẽ là điểm sáng của ngành dầu khí trong năm 2024
Năm 2023 là cột mốc đáng nhớ của ngành khi nhiều dự án quan trọng đã nhận được quyết định triển khai, giải quyết được tình trạng cạn kiệt trữ lượng dầu khí. Đây cũng là nguồn công việc lớn cho các doanh nghiệp dầu khí trong nước với dư địa từ hoạt động khoan, xây xây lắp cơ khí, công trình biển (M&C) và các dịch vụ liên quan khác.
Các dự án được phê duyệt bao gồm Sư Tử Trắng GĐ 2B (quy mô 1,1 tỉ USD), Lạc Đà Vàng (quy mô 693 triệu USD) và Lô B - Ô Môn (quy mô 10 tỉ USD). Trong đó dự án mỏ khí Lô B sẽ là động lực phát triển chính với quy mô đầu tư lớn, thời gian phát triển dự án dự kiến là 5 năm.
Nguồn: DSC. |
Theo thông tin từ Công ty Chứng khoán DSC, hiện PVN và các đối tác nước ngoài đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận khung (HOA) để khai thác dòng khí đầu tiên từ dự án Lô B vào năm 2027, kỳ vọng sẽ được nhận được FID (quyết định đầu tư cuối cùng) vào đầu năm 2024.
DSC đánh giá hoạt động tại khâu Thượng nguồn sẽ tỏa sáng trong năm 2024. Những năm gần đây hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam vẫn tương đối trầm lắng dù giá dầu duy trì cao hơn so với mức hòa vốn (55 USD/thùng). Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, PVN chỉ khai thác được 9,29 triệu tấn dầu thô, giảm 6,25% so với cùng kỳ dù đã có sự hỗ trợ của Luật Dầu khí sửa đổi.
“Sự thiếu sót về chính sách cũng là một trong những yếu tố góp phần gây nên sự “ảm đạm” tại khâu Thượng nguồn trong những năm qua. Tuy nhiên, trong năm 2023 dù đã có sự hỗ trợ của Luật Dầu khí sửa đổi, tình hình khai thác vẫn kém hơn so với kỳ vọng do ảnh hưởng từ triển vọng kinh tế kém khả quan trên toàn cầu.
Tuy vậy, DSC kỳ vọng 2024 sẽ là một năm khả quan cho khâu Thượng nguồn nhờ nhiều dự án quan trọng đã nhận được quyết định triển khai; giá dầu ổn định trên 70 USD/thùng sẽ kích thích các hoạt động tìm kiếm, khai thác và Luật Dầu khí sửa đổi tiếp tục phát huy vai trò”, DSC nhận định. DSC cũng đánh giá 2024 sẽ tiếp tục là một năm bận rộn cho các doanh nghiệp cho thuê giàn khoan. Cụ thể, dư địa tăng giá cho thuê các giàn khoan của Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (mã PVD) tương đối rộng mở khi nhu cầu khai thác gia tăng mạnh mẽ trên toàn cầu, đặc biệt tại khu vực Trung Đông.
Giá thuê trung bình các giàn khoan của PVD hiện đạt 90.000 USD/ngày, trong khi tại khu vực Đông Nam Á, giá cho thuê trung bình vẫn đang dao động trong khoảng 100.000-125.000 USD/ngày. Hiện lịch trình cho thuê các giàn khoan của PVD đã được lấp đầy tới năm 2025, góp phần đảm bảo ổn định doanh thu cho Công ty.
“Vào tháng 12 Hội đồng Quản trị của PVD đã phê duyệt quyết định đầu tư mở rộng giàn khoan sau 10 năm, dự kiến kết thúc nghiên cứu và đánh giá vào cuối năm 2023. Các giàn mới sau khi đầu tư có thể được đem hỗ trợ cho các chiến dịch khoan ở trong nước hoặc cho thuê trong khu vực Đông Nam Á. Đây sẽ là triển vọng gia tăng công suất hoạt động kinh doanh cũng như nâng mức định giá cho Công ty. Dù vậy, hiện tại chưa có nhiều thông tin cụ thể về dự án này”, DSC nhận định.
Có thể bạn quan tâm: