Khu kinh tế mở Chu Lai bước vào chu kỳ đầu tư thứ 4
Dấu ấn Thaco
Vào 2003, ít nhà đầu tư nào dám đặt cược vào vùng đất ven biển phía Đông của tỉnh Quảng Nam- nơi được mệnh danh là 4 không: không hạ tầng, không nguồn nhân lực, không nguyên liệu và không có thị trường. Nhưng vẫn có những nhà đầu tư dám mạo hiểm khi nhìn ra tiềm năng to lớn của vùng đất này, đó chính là tập đoàn Thaco với dự án đầu tay: nhà máy xe bus có công suất 25.000 xe/năm được khởi công vào 2003.
Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch tập đoàn Thaco, thời gian đầu công ty phải đương đầu với rất nhiều điểm nghẽn, trong đó lớn nhất là nguồn nhân lực và logistics. “Để giải quyết, Thaco đã thành lập trung tâm đào tạo và công ty vận tải biển với tàu container có trọng tải phù hợp”, ông Dương cho biết.
Thaco còn đã đầu tư Cảng Chu Lai có công suất 3 triệu tấn/ năm, cầu cảng dài 500m tiếp nhận được tàu có trọng tải đến 20 ngàn tấn. Đây cũng là cảng sông có quy mô lớn duy nhất tại miền Trung được định hướng là cảng container lớn nhất miền Trung. Không chỉ phục vụ thị trường nôi địa, Cảng Chu Lai còn mở ra cơ hội kết nối với các tuyến hàng hải quốc tế đến các cảng biển lớn ở Hàn Quốc, Nhật và Trung Quốc.
Kể từ 2010, Thaco bước vào chu kỳ đầu tư lớn thứ 2 tại Chu Lai với mục tiêu là mở rộng quy mô, phát triển công nghiệp hỗ trợ để gia tăng tỉ lệ nội địa hóa, đồng thời, phát triển logistics có quy mô phù hợp hướng đến giảm giá thành sản phẩm, thông qua các dự án chủ lực như dây chuyền nhà máy xe bus chuyên biệt với công suất 5.000 xe/năm, nhà máy lắp ráp xe du lịch Mazda có công suất 10.000 xe/năm, tổ hợp cơ khí với công suất 300.000 sản phẩm/năm, cục các nhà máy công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô có diện tích 85 ha với tổng vốn đầu tư hơn 25.000 tỉ đồng. “Qua đó, Thaco đã làm chủ công nghệ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho các dòng xe như: xe bus trên 60% xe tải từ 35% và xe du lịch bước đầu đạt 17%”, ông Dương cho biết.
Chuỗi giá trị hoàn chỉnh
Để nắm bắt cơ hội mới khi khu vực ASEAN có thuế xe ô tô về 0% vào năm 2018 cũng như những tác động tích cực mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, Thaco đã quyết định bước vào chu kỳ đầu tư lớn thứ 3 tại Chu Lai với hàng loạt các thương vụ đầu tư nâng cấp và mở rộng toàn diện. Đặc biệt, đầu năm nay, Nhà máy Thaco – Mazda với công suất lớn nhất Đông Nam Á (100.000 xe/năm) được đưa vào hoạt động, dự kiến mang tới một động lực tăng trưởng mới cho tập đoàn trong các năm tới.
Đến nay, sau 15 năm đầu tư tại Chu Lai, Thaco đã xây dựng được một chuỗi giá trị hoàn chỉnh với 32 công ty, nhà máy, 1 tổ hợp cơ khí, trường cao đẳng nghề, đi cùng với hệ thống logictics trong một quần thể công nghiệp có diện tích lên đến 400 ha. Tổng vốn đầu tư mà Thaco rót vào Chu Lai đã hơn 80.500 tỉ đồng và trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Sự tiên phong và thành công của Thaco kích thích các tập đoàn khác mạnh dạn rót vốn vào Chu Lai. Lũy kế từ khi thành lập đến nay, 158 dự án đã được cấp phép với tổng vốn đăng kí 93,8 nghìn tỉ đồng, trong đó có 111 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn thực hiện 68.000 tỉ đồng. Tương ứng với một đồng vốn ngân sách đầu tư, Chu Lai thu hút được tới 7,6 đồng vốn đầu tư của doanh nghiệp và tạo ra 12 đồng vốn ngân sách và trở thành một trong những khu kinh tế hiệu quả nhất trên cả nước.
Những điểm nhấn mới
Vào ngày 15/12/2018, Thủ tướng chính phủ đã công bố quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai đến năm 2035 với nhiều điểm nhấn quan trọng.
Theo đó khu kinh tế mở Chu Lai sẽ có diện tích hơn 27 ngàn ha, bao gồm thị trấn Núi Thành và vùng lân cận, được định hướng phát triển trở thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có khu vực phát triển đô thị, trung tâm công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ ngành ô tô, hàng không, trung tâm cơ khí - điện và sản phẩm hóa dầu, nông nghiệp công nghệ cao và là trung tâm du lịch dịch vụ gắn với việc khai khác sân bay Chu Lai và hệ thống cảng Chu Lai- Kỳ Hà. "Trong tương lai, Chu Lai sẽ có tới nửa triệu dân và trở thành động lực tăng trưởng của miền Trung”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tại Lễ kỉ niệm 15 năm Thaco-Chu Lai |
Góp ý với chiến lược phát triển mới của Chu Lai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng để các nhà đầu tư như Thaco tiếp tục đầu tư phát triển vào Chu Lai trong thời gian đến thì các bộ ngành Trung ương và tỉnh Quảng Nam cần tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đồng thời cải thiện môi trường kinh doanh và đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ cho doanh nghiệp.
Thấy được nhiều cơ hội mới đang mở ra nhờ Quyết định điều chỉnh của Chính phủ, một số nhà đầu tư đã nhanh chóng rót thêm hàng nghìn tỉ đồng vào Chu Lai. Đơn cử như Thaco sẽ đầu tư mở rộng khu phức hợp cơ khí ô tô thêm 126 ha nhằm gia tăng thêm tỉ lệ nội địa hóa xe du lịch đạt hơn 40% hướng đến xuất khẩu.
Thaco cũng đầu tư dự án khu công nhiệp Nam Tam Anh và dự án đầu tư cảng nước sâu đón tàu 50.000 tấn. Tập đoàn Zuru (New Zealand) đầu tư nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng và cửa lắp ghép thông minh công nghệ 4.0 trị giá khoảng 400 triệu USD cho giai đoạn 1 (tổng thể dự án có giá trị 6 tỉ uSD), Công ty CP Thương mại và tư vấn đầu tư và xây dựng Bách Khoa Việt đầu tư dự án Tổ hợp nhà máy pha chế xăng nhiên liệu sinh học E5 và kho chứa, chiết nạp khí hóa lỏng (LPG) trị giá 3.500 tỉ đồng.
Ngay trong năm 2019 dự kiến Thaco sẽ đưa vào hoạt động các nhà máy sản xuất vật tư nông nghiệp với công suất thiết kế hơn 200 nghìn tấn/năm. Tổng kho bảo quản để xuất khẩu trái cây tươi và các nhà máy sản xuất chế biến trái cây có công suất thiết kế hơn 120 nghìn tấn/năm với các sản phẩm cấp đông, sấy dẻo, nước cốt xuất khẩu với chi phí đầu tư khoảng 3.425 tỉ đồng.
“Đồng thời, có đóng góp lớn vào sự phát triển khu kinh tế mở Chu Lai trở thành khu kinh tế lớn nhất miền trung, hàng đầu trong cả nước, mang tầm khu vực và quốc tế”, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương nhận định lạc quan.