Không truy thu thuế nhập khẩu đối với Công ty Nestle
Do hương cà phê là mặt hàng phức tạp trong việc nhận định, xem xét và áp dụng các quy tắc phân loại, vì vậy thời gian qua, Trung tâm Phân tích phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu- Tổng cục Hải quan đã có thông báo với Công ty TNHH Nestle Việt Nam phân loại mặt hàng này thuộc mã số 3302.10.90.00 (ngày 2-1-2007), nhưng sau đó lại có kết quả phân tích phân loại mặt hàng này thuộc mã số 2106.90.98 (ngày 10-8-2012) và mã số 2101.12.90 (ngày 28-12-2012). Các mã số này đều có mức thuế nhập khẩu 5%.
Theo đó, việc xác định được mã số 2101.12.90 đối với mặt hàng hương cà phê theo phân tích của Bộ Tài chính đồng nghĩa với việc doanh nghiệp khai báo những mã số nêu trên sẽ bị truy thu thuế nhập khẩu.
Tuy nhiên, để không gây xáo trộn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Bộ Tài chính giao Cục Hải quan Đồng Nai xác định cụ thể các tờ khai nhập khẩu mặt hàng hương cà phê của Công ty TNHH Nestle Việt Nam trước ngày 18-6-2012 (ngày phát sinh tờ khai có kết quả phân tích phân loại mã số 2101.12.90).
Theo đó, nếu Công ty TNHH Nestle Việt Nam đã kê khai và phân loại mặt hàng hương cà phê theo các mã số 3302.10.90.00, hoặc mã số 2106.90.98, hoặc mã số 2101.12.90 theo thông báo của Trung tâm Phân tích phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu và công ty đã kê khai, quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định thì không xử lý lại.
Được biết, từ năm 2007 Công ty TNHH Nestle Việt Nam nhập khẩu mặt hàng hương cà phê và khai báo theo kết quả phân tích của Trung tâm Phân tích phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu theo hai mã số 3302.10.90.00 và 2106.90.98 (thuế suất 5%). Tuy nhiên, Chi cục Hải quan Biên Hòa- Cục Hải quan Đồng Nai đã quyết định ấn định thuế với mặt hàng trên từ năm 2007 đến nay do công ty khai sai mã số, mã số phù hợp phải là mã số 2101.12.90, thuế suất thuế nhập khẩu 40%.
Thực tế, hương cà phê là mặt hàng phức tạp trong việc nhận định, xem xét và áp dụng các quy tắc phân loại, để xử lý thống nhất trong việc xác định mã số mặt hàng này, Tổng cục Hải quan đã phải tổ chức nhiều cuộc họp bàn, lấy ý kiến các Bộ: Công Thương, Y tế về khái niệm, để cuối cùng đưa ra được mã số thống nhất phân loại mặt hàng này.
Nguồn Báo Hải quan