Không TPP, Vinatex có còn hấp dẫn?
Sau hơn 2 năm cổ phần hóa, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã xúc tiến đưa 500 triệu cổ phiếu VGT lên giao dịch trên sàn UpCom (3.1.2017). Nhà nước tiếp tục nắm cổ phần chi phối tại đây. Kế đó là Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (14% ), Vingroup (10%). 30 nhà đầu tư nước ngoài cũng nắm 11,01% vốn điều lệ ở Vinatex. Khối ngoại đặc biệt quan tâm đến tương lai ở Vinatex sau khi lên sàn UPCoM, nhất là khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có khả năng đi vào ngõ cụt. Nghĩa là Vinatex sẽ không thể trông chờ vào việc hưởng lợi từ TPP.
Vinatex trước và sau lên sàn vẫn thuộc sở hữu của Nhà nước. Vì thế, Vinatex vẫn nhận được nhiều hỗ trợ từ cổ đông lớn nhất này. Đầu tiên là vị thế. Vinatex được thành lập năm 1995 trên cơ sở sáp nhập nhiều doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Dệt May Việt Nam và Liên hiệp Sản xuất - Xuất nhập khẩu May. Ở thời điểm ấy, Chính phủ cũng chủ trương lập Vinatex nhằm mục đích phát triển ngành dệt may theo hướng chuỗi cung ứng. Nghĩa là ngay từ ban đầu, Vinatex đã có được vị trí dẫn đầu ngành và có những lợi thế khó doanh nghiệp nào có được.
Tính đến thời điểm hiện tại, sau hơn 20 năm hoạt động, Vinatex đã đạt quy mô vốn điều lệ 5.000 tỉ đồng; xuất khẩu năm 2015 xấp xỉ 2,4 tỉ USD, chiếm 10,3% giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Vinatex cũng liên tục gia tăng năng lực sản xuất, cung cấp hàng trăm ngàn tấn sợi, hàng trăm triệu mét vuông vải và hàng trăm triệu sản phẩm may mặc mỗi năm. Với vị thế này, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, dù TPP không đi đến đâu, Vinatex vẫn sẽ chuyển mình theo tiêu chuẩn của một doanh nghiệp đã cổ phần hóa và lên sàn, để đạt hiệu quả kinh doanh tốt hơn. Triển vọng lợi nhuận trong dài hạn ở Vinatex được dự báo vẫn tiềm năng.
Dưới quy hoạch của Nhà nước trong ngành dệt may Việt Nam, Vinatex còn sở hữu được nhiều công ty tốt. Theo bản thông tin tóm tắt từ Vinatex, Tập đoàn hiện sở hữu 30 công ty con và liên kết. Trong đó, đáng chú ý là Phong Phú (Vinatex nắm 51%), Việt Tiến (Vinatex sở hữu 31,9%), Nhà Bè (27,7%), May 10 (35,5%)…. Các công ty này đã góp phần rất quan trọng vào tổng doanh thu cho Vinatex. Trong nhiều thời kỳ, như giai đoạn 2014-2015, các khoản đầu tư tài chính từ liên doanh liên kết đã cứu công ty mẹ Vinatex thoát khỏi tình trạng sa sút.
Vinatex cũng được hưởng đặc ân của một doanh nghiệp nhà nước khi sở hữu quỹ đất lớn. Theo thông tin mới nhất, Vinatex hiện nắm giữ gần 450.000m2 đất. Trong đó, nhiều mảnh đất nằm ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM. Đây chính là điểm hấp dẫn của Vinatex ở thời điểm chào bán cổ phần lần đầu (IPO) diễn ra hơn 2 năm trước.
Có thể nói, Vinatex là con cưng, được Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi. Nhờ vậy, doanh nghiệp này sở hữu chuỗi sản xuất khép kín, từ cung cấp nguyên liệu (bông, sợi), tiến hành dệt vải, nhuộm vải, cắt may đến phân phối. Về danh nghĩa, Vinatex có thể đáp ứng các nhu cầu của khách hàng, từ gia công (CMT), đến chủ động nguyên liệu (FOB) và chủ động thiết kế (ODM). Vinatex và các công ty thành viên còn có thể tự thiết kế và cắt may quần áo cho tiêu thụ trong nước.
Nhưng thực tế, Vinatex vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng khi 55% doanh thu vẫn đến từ gia công. Tỉ suất sinh lời cũng vì thế mà ở mức thấp, với lợi nhuận sau thuế/doanh thu thuần chỉ chiếm 3,5%; còn lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2015 chỉ đạt 7%.
Vinatex đang tìm cách xoay chuyển tình hình. Theo thông tin công bố, đến năm 2016, Tập đoàn thực hiện đầu tư 41 dự án, với tổng mức đầu tư trên 5.500 tỉ đồng. Mục tiêu đến năm 2020, Vinatex có thể phấn đấu nâng tỉ lệ sản xuất theo FOB lên 60% và ODM lên 20%, nhằm đạt biên lợi nhuận tốt hơn. Trong năm 2016, Vinatex cũng thành lập Tổng Công ty Dệt May Miền Bắc và Tổng Công ty Dệt May Miền Nam để tăng khả năng thực hiện chuỗi cung ứng cho từng vùng miền, tạo giá trị gia tăng, đón đầu cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là từ TPP.
Nhưng như đã nói ở trên, TPP nhiều khả năng thất bại và việc Vinatex đầu tư dồn dập có thể khiến tập đoàn này gặp rủi ro về hiệu quả đầu tư lẫn dư thừa nguồn cung. Đó là chưa kể Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) từng nhận định, đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu đòi hỏi kiến thức chuyên sâu và thường mất thời gian dài mới thu được lợi nhuận. Vinatex cũng sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh từ các doanh nghiệp FDI đang đầu tư và sản xuất nguyên liệu dệt may tại Việt Nam.
Bài toán vốn cho đầu tư ở Vinatex cũng là vấn đề đau đầu. Vinatex hiện đang vay ngắn hạn và dài hạn hơn 8.300 tỉ đồng. Trong chiến lược của mình, Vinatex cho biết sẽ tăng vốn để đầu tư các dự án và gia tăng quyền kiểm soát ở các công ty mà Tập đoàn đang đầu tư hiệu quả. Nhưng dù như thế nào, các hoạt động đầu tư dự án mới cũng khiến Vinatex gặp nhiều áp lực, bởi chi phí tài chính sẽ tăng và các dự án khi mới đi vào hoạt động phải chấp nhận thua lỗ trong thời gian đầu.
Giới đầu tư cũng không mấy yên tâm khi Vinatex vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, với giá trị nhập khẩu năm 2015 lên đến hơn 1,1 tỉ USD. Điều đó dễ khiến Tập đoàn gặp rủi ro biến động giá nguyên liệu.
Để tạo sức hút, giai đoạn 2015-2016, Vinatex đã nỗ lực tái cơ cấu hoạt động, thoái gần như toàn bộ vốn khỏi các khoản đầu tư ngoài ngành, thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh cũng như cắt giảm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp. Nhưng ở Vinatex vẫn còn nhiều vấn đề cần đến năng lực quản lý của người lãnh đạo, để đưa doanh nghiệp này bước sang một giai đoạn phát triển hơn và tận dụng hết các lợi thế sẵn có.
Viết Nguyên