Không thể thả nổi thị trường vàng
Thứ nhất, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định quy các thương hiệu vàng về một mối là SJC nhưng không kịp thời gia công thay thế phần nào đã tạo sự khan hiếm vàng trên thị trường.
Thứ hai, quy định mới về việc các ngân hàng phải ngừng huy động vàng từ ngày 25/11 tới khiến vàng từ thị trường bị hút vào các ngân hàng để đảm bảo thanh khoản, dẫn đến tình trạng khan hiếm.
Thứ ba, giá vàng trong nước đã tăng cao so với thế giới và khoảng cách ngày càng lớn. Có thời điểm (cuối giờ chiều ngày 5/10), chênh lệch lên tới gần 3,2 triệu đồng/lượng đã gây nên tâm lý bất ổn cho người dân.
Thực trạng trên cho thấy, thị trường vàng đang rất cần sự can thiệp kịp thời, hiệu quả của cơ quan quản lý, giải quyết đồng thời cả yếu tố cung – cầu và yếu tố tâm lý.
Trước hết, NHNN cần sớm có biện pháp cân đối cung – cầu, cho phép một số ngân hàng thương mại nhập khẩu để điều tiết thị trường.
Đồng thời, cần sớm công bố thông tin về 350.000 lượng vàng vừa được NHNN cho phép gia công, chuyển đổi từ vàng móp méo và vàng có nhãn hiệu khác SJC. Nếu chưa tiến hành kịp thì phải sớm thúc đẩy thực hiện, có biện pháp giám sát để số vàng này được đưa ra lưu thông trên thị trường; phát hiện, xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ, găm giữ vàng để làm giá.
Mặt khác, cũng cần xem lại các chính sách về huy động vàng. Có ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến giá vàng tăng đột biến vừa qua là do các ngân hàng lớn đã huy động được và bán rẻ thu lời trước đó, nay lại phải gấp gáp mua vào với giá cao, “chạy” trước thời điểm phải ngừng huy động theo quy định của NHNN (ngày 25/11 tới).
Rõ ràng, đây là lúc NHNN cần thể hiện được vai trò, chức năng của mình trong việc quản lý thị trường vàng, nhất là khi cơ quan này vẫn độc quyền nhập khẩu và sản xuất vàng miếng như hiện nay.
Nguồn Báo Đầu tư