“Không riêng Thái Lan, doanh nghiệp Việt phải đối mặt với nhiều tay chơi mới”
Đối mặt với nhiều tay chơi mới
Berli Jucker (BJC - Thái Lan) đã biến chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart thành B's Mart, tại đây bày bán rất nhiều hàng hóa có xuất xứ từ Thái Lan. Tiếp sau đó, BJC cũng gây chấn động khi thông tin sẽ mua lại chuỗi siêu thị Metro Việt Nam.
Ngoài ra, Central Group hiện có hai trung tâm mua sắm tại Hà Nội và TP. HCM và tới đây có thể hoàn tất mua 49% cổ phần tại hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim…
Chứng kiến sự gia tăng đầu tư của nhà đầu tư đến từ Thái Lan vào lĩnh vực bán lẻ, hầu hết các chuyên gia kinh tế nhận định, Thái Lan đang rất quan tâm đến thị trường bán lẻ Việt Nam. Điều này sẽ tạo ra những khó khăn, thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, Thái Lan không phải nhà đầu tư duy nhất đang quan tâm đến thị trường bán lẻ của Việt Nam bằng chứng là từ năm 2013 đến nay tại Hà Nội và TP. HCM ngoài các cơ sở bán lẻ của các nhà đầu tư mới như Robinson (Thái Lan) mới khai trương một trung tâm mua sắm tại Hà Nội vào tháng 3/2014, B's Mart đang mở rộng, tăng tốc độ phát triển, còn có E-mart (Hàn Quốc) đang hoàn thành thủ tục đầu tư một trung tâm mua sắm tại TP. HCM…
Và một số doanh nghiệp phân phối nước ngoài ở Việt Nam đang tăng tốc độ phát triển các cơ sở bán lẻ trực thuộc như Big C (Pháp), Lotte, Lock&Lock (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản)…
Trao đổi với BizLIVE, PGS. TS Lê Cao Đoàn (Viện Kinh tế Việt Nam) cho biết, doanh nghiệp Việt sẽ phải đối mặt với nhiều "tay chơi" mới, có tiềm lực tài chính mạnh đến từ Thái Lan hoặc các nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Mỹ…
Tuy nhiên, cũng theo Đoàn, khi các doanh nghiệp cạnh tranh ngày càng khốc liệt, doanh nghiệp có kẻ sống, kẻ chết song người tiêu dùng là người hưởng lợi nhiều nhất.
Nhiều thông tin cho rằng B's Mart bán tới 60% hàng Thái Lan
Ông Trần Nguyên Năm, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) cũng cho biết, doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường bán lẻ Việt Nam đã tăng rõ rệt trong thời gian vừa qua với hàng loạt những thương hiệu lớn.
“Mặc dù số lượng không nhiều tuy nhiên GDP của khối doanh nghiệp nước ngoài này lại ở mức tương đối cao, một doanh nghiệp bán lẻ FDI có thể lớn gấp nhiều lần doanh nghiệp Việt Nam”, ông Năm nói.
Điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam là gì?
Đối mặt với những doanh nghiệp nước ngoài lớn mạnh về tài chính, kinh nghiệm trong khi doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn yếu từ vốn, kinh nghiệm, sức cạnh tranh kém…
Cụ thể, ông Lê Cao Đoàn phân tích, nguồn vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp còn hạn hẹp trong khi nguồn vốn dồi dào lại đang được đổ dồn vào các doanh nghiệp nhà nước. Chính môi trường không công bằng đã không thúc đẩy tăng trưởng của các doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp khó cạnh tranh.
Bên cạnh đó, GS.TS Đặng Đình Đào (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế, Đại học Kinh tế quốc dân) cũng cho biết, điểm yếu của doanh nghiệp Việt là sản xuất hàng hóa sản xuất giá cao, song chất lượng không đảm bảo, các doanh nghiệp thương mại chưa tận dụng hết những lợi thế…
“Các doanh nghiệp đang bị đánh bật khỏi thị trường, thua ngay trên sân nhà vì chưa khắc phục được những điểm yếu trên”, ông Đào nhấn mạnh.
Thậm chí trong xúc tiến thương mại tại thị trường láng giềng, theo đánh giá của ông Đào, cung cách làm ăn của doanh nghiệp Việt thời gian vừa qua không tạo được chữ “tín” từ đầu để duy trì, mở rộng thị trường.
Ông Đào dẫn chứng phàn nàn của người tiêu dùng tại Lào, cho biết, không ít doanh nghiệp Việt có nhiều mặt hàng tốt nhưng khi đưa sang hội chợ tại Lào, hay người Lào sử dụng thấy chất lượng không bằng. Họ đặt nghi ngờ về việc quảng cáo một đằng, chất lượng một nẻo, hoặc sản xuất không đồng bộ dẫn tới chất lượng khác nhau giữa các đơn hàng.
“Tại sao hàng hóa của Nhật Bản có ở khắp nơi, đi đến đâu ăn sâu đến đó, vì họ sản xuất mặt hàng đảm bảo chất lượng tuyệt đối còn hàng Việt Nam chưa được các doanh nghiệp ý thức một cách đầy đủ”, ông Đào nhận định.
Nguồn Bizlive