Không nên tạo thêm gánh nặng cho ngân hàng
Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 2/2015, Chính phủ đã yêu cầu NHNN cần phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải nghiên cứu đề xuất gói tín dụng cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Phóng viên TBNH đã trao đổi với TS. Trần Du Lịch – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia về vấn đề này.
Ông nghĩ sao nếu ngành NH triển khai thêm một gói tín dụng ưu đãi nữa cho kết cấu hạ tầng giao thông?
Đây mới là chủ trương nên giờ đưa ra đánh giá cũng rất khó. Nhưng tôi cảm thấy, dường như NHNN đang chịu gánh nặng khá lớn khi phải đóng hai vai hỗ trợ chính sách tín dụng và cả tài chính.
Như bạn biết, thời gian vừa qua, NHNN vừa chủ trì vừa “chủ chi” rất nhiều gói tín dụng với quy mô lớn như gói tín dụng cho vay hỗ trợ phát triển nhà ở; cho vay hỗ trợ ngư dân theo Nghị định 67; cho vay ưu đãi 5 lĩnh vực ưu tiên… Đó là chưa kể NH phải “lo” đủ 400 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ thông qua việc chỉ đạo các TCTD.
Giờ nếu phải thêm gói tín dụng nữa thì không biết hệ thống NH sẽ chuẩn bị nguồn tiền ra sao vì thực tế, nguồn tiền của NHTM chủ yếu huy động vốn ngắn hạn với lãi suất thị trường từ người dân và được phân bổ vào rất nhiều lĩnh vực. Hiện nay, chúng ta muốn phát triển loại hình nào, tăng tín dụng cho lĩnh vực nào đều giao cho NH hết.
Tôi nghĩ đây là một xu hướng, nhưng xu hướng này không hẳn tốt vì nó làm lệch dần chức năng của NHNN, NHTM. Vì thông thường, các chương trình, chính sách hỗ trợ này đều thông qua Chính phủ.
Vậy theo ông gói tín dụng trên có khả thi?
Như tôi nói ở trên, ngay bây giờ rất khó đánh giá chính xác khi Chính phủ mới chỉ yêu cầu NHNN phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng một gói tín dụng đầu tư kết cấu hạ tầng. Song, theo tôi, nếu muốn tăng tính khả thi, điều quan trọng nhất là phải phân bổ nguồn lực một cách hợp lý, đảm bảo đủ nguồn lực cho gói tín dụng này.
Cụ thể, cần xây dựng một chính sách tổng hợp huy động các nguồn lực xã hội, xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng. Ví dụ, đẩy mạnh xu hướng đầu tư theo hình thức PPP, BOT, thậm chí cả nguồn ngân sách Nhà nước… Sau khi tính toán hiệu quả các dự án lúc đó mới phân bổ cho ngành NH phải lo bao nhiêu, các nguồn lực khác sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào. Như vậy, tôi thấy sẽ hợp lý hơn. Còn nếu chỉ một mình NH thực hiện như các gói tín dụng đang triển khai thì rất khó cho cả NH lẫn tính khả thi của chương trình tín dụng này.
Tôi nghĩ rằng, năm nay hệ thống NH cố gắng bảo đảm triển khai tốt 4 chương trình: gói tín dụng hỗ trợ phát triển nhà ở; cho vay theo Nghị định 67 của Chính phủ về phát triển thuỷ sản; vốn tín dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên và mua TPCP là NH đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ rồi. Nhất là trong giai đoạn hệ thống NH đang vào giai đoạn gấp rút hoàn thành đề án tái cơ cấu cần có nguồn lực để thực hiện.
Ông đánh giá thế nào về quá trình tái cấu trúc của hệ thống NH trong hơn 3 năm qua?
Tôi nghĩ quá trình tái cấu trúc của NHNN đang đi đúng hướng, thu được kết quả khả quan và cần phải kiên trì thực thi vì năm nay là năm cuối cùng thực hiện Đề án tái cấu trúc hệ thống NH. Có thể nói, sau khi khoanh vùng khống chế các NH yếu kém, NHNN dần từng bước siết chặt kỷ cương thị trường NH. Đến thời điểm này, NHNN đã có nhiều kinh nghiệm, nắm chắc tình hình, cũng như có nhiều nguồn lực khác hỗ trợ thì quá trình tái cơ cấu đang dần đẩy mạnh hơn.
Tôi nghĩ rằng, với những giải pháp NHNN đang thực hiện thì khả năng nợ xấu đưa về mức 3% cuối năm nay như kế hoạch đề ra là khả thi. Dù VAMC chưa xử lý triệt để nợ xấu đã mua của TCTD ngay, nhưng việc kéo giãn thời gian xử lý, làm sạch sổ sách NH… đã giảm gánh nặng và áp lực cho NH trong quá trình tái cấu trúc.
Tôi cũng cho rằng, trong quá trình thực tiễn chúng ta không nên quá cứng nhắc mà có thể xử lý mềm dẻo đối với một số trường hợp, vừa thúc đẩy NH tái cấu trúc mà không làm họ quá khó khăn. Tất nhiên, dù mềm dẻo cũng phải xử lý trong năm 2015.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn TBNH