Thứ Sáu | 20/07/2012 16:15

Không nên giữ tỷ giá đứng im quá lâu

Nhiều ý kiến cho rằng nên điều chỉnh tỷ giá để tránh tình trạng đầu cơ, tạo nên những cơn sốt nóng vào cuối năm.
Giữ tỷ giá ổn định trong 6 tháng đầu năm được coi là thành công của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến xung quanh việc có nên tiếp tục giữ nguyên tỷ giá trong 6 tháng cuối năm.

Không biến động quá 3% là có cơ sở

Đầu tháng 7 vừa qua, NHNN lần nữa khẳng định tỷ giá năm nay biến động không quá 2-3%. Theo đánh giá của Phó thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến, 6 tháng đầu năm, việc điều hành các công cụ chính sách tiền tệ, tỷ giá kết hợp với chính sách quản lý ngoại hối đã góp phần ổn định tỷ giá, gia tăng niềm tin vào tiền đồng. Quan hệ huy động - cho vay ngoại tệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng đang dần chuyển sang quan hệ mua - bán ngoại tệ. Điều này làm giảm đáng kể những rủi ro, bất ổn trên thị trường ngoại tệ.

Số liệu của NHNN cho thấy, tính đến ngày 30/6, huy động và cho vay ngoại tệ đều giảm hơn so với huy động và cho vay bằng tiền đồng. Cụ thể, huy động bằng tiền đồng tăng 8,62%, trong khi huy động ngoại tệ giảm 2,2%.

Ngược lại, số ngoại tệ mua vào của các tổ chức tín dụng lại tăng vọt. Hệ thống các ngân hàng đã mua được lượng lớn ngoại tệ để bán cho NHNN, giúp tăng dự trữ ngoại hối cho NHNN lên xấp xỉ 10 tuần nhập khẩu. Nhờ vậy, tình trạng găm giữ ngoại tệ trên thị trường giảm, tỷ giá biến động thấp. Với thành quả này, NHNN tiếp tục đặt ra mục tiêu trong những tháng còn lại của năm 2012 là đảm bảo tỷ giá biến động không quá 2-3%.

Đồng tình ý kiến trên, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cố vấn cao cấp Hội đồng quản trị BIDV nhận định việc duy trì biến động tỷ giá không quá 3% là thực hiện được. Tuy nhiên cần phải hướng dòng ngoại tệ vào những lĩnh vực khuyến khích sản xuất. Đồng thời, phải kiểm soát tốt thị trường vàng, bởi nếu thị trường vàng biến động mạnh, nhập lậu vàng tăng, thì tỷ giá sẽ bị ảnh hưởng.

Theo các ngân hàng, sự biến động tỷ giá những tháng còn lại của năm phụ thuộc rất lớn vào đầu ra của doanh nghiệp. Nếu kinh tế thế giới hồi phục, đơn hàng xuất khẩu tăng những tháng tới, tỷ giá sẽ biến động mạnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới hiện nay, khả năng này khó xảy ra. Vì vậy, ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc ngân hàng Eximbank nhận định, tỷ giá năm nay chỉ biến động 2-2,5%, do nhu cầu vay ngoại tệ không lớn.

Nghiên cứu của các ngân hàng nước ngoài cũng cho rằng, tỷ giá chỉ tăng khoảng 2,4 - 2,5% trong năm nay. Cụ thể, Nhóm nghiên cứu Ngân hàng HSBC dự báo, tỷ giá VND/USD chỉ tăng ở mức 21.500 đồng/USD vào thời điểm cuối năm (tức tăng khoảng 2,4% so với đầu năm). Trong khi đó, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam phán đoán, tỷ giá VND/USD sẽ xoay quanh 21.700 đồng/USD, không quá dự liệu 2-3% của NHNN.

Nên điều chỉ tỷ giá phù hợp với nhu cầu thị trường

Dù tỷ giá không có nguy cơ biến động nhiều, song nhiều ý kiến vẫn cho rằng, không nên giữ tỷ giá đứng im quá lâu, mà phải điều chỉnh từ từ cho phù hợp với nhu cầu thị trường.

Ông Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế (ngân hàng Maritime Bank) đánh giá: “Để tránh gia tăng áp lực ngoại hối vào những tháng cuối năm, chủ yếu do cầu ngoại tệ cho nhập khẩu tăng, NHNN nên cân nhắc sớm điều chỉnh tỷ giá từng bước nhỏ trong dư địa 2 - 3% như tuyên bố hồi đầu năm, tránh gây sốc trên thị trường do kìm giữ tỷ giá hối đoái danh nghĩa quá lớn, quá lâu so với tỷ giá hối đoái thực”.

Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá VND/USD lúc này là cần thiết, để tránh hiện tượng trục lợi, găm giữ USD và tạo nên những cơn sốt nóng vào cuối năm.

“Thời gian tới, NHNN nên theo dõi thị trường sát sao hơn, để kịp thời can thiệp khi tỷ giá có biến động lớn, nhằm ổn định tâm lý thị trường. Nếu thị trường có dấu hiệu khan hiếm và biến động mạnh, NHNN có thể xem xét cung ứng ngoại tệ”, ông Phạm Hoàng Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng HSBC khuyến nghị, đồng thời tin tưởng rằng, với lượng dự trữ ngoại hối dồi dào hiện nay, NHNN dễ dàng can thiệp thị trường khi có biến động.

Cũng theo ông Hải, lãi suất huy động liên tục giảm thời gian qua đang gây áp lực lên tỷ giá. Vì vậy, cần duy trì lãi suất tiền đồng ở mức hợp lý để vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, vừa đảm bảo sức hấp dẫn của tiền đồng, giảm áp lực lên tỷ giá.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện