“Không giới hạn room cho tổ chức nước ngoài mua cổ phần ngân hàng yếu”
Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh cho biết Nghị định số 01/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu đến 30% vốn điều lệ của TCTD cổ phần và giới hạn sở hữu cổ phần đối với một nhà đầu tư nước ngoài được đối xử bình đẳng như đối với một nhà đầu tư trong nước.
“Ngoài ra, Nghị định còn nói rõ, đối với TCTD yếu kém phải cơ cấu lại, tổng mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài sẽ được Thủ tướng Chính phủ quyết định với tỷ lệ không giới hạn. Điều này cũng đã được Ngân hàng Nhà nước cụ thể hóa bằng Thông tư 38/2014/TT-NHNN”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Hiện thị trường đang nghe ngóng thông tin về việc GPBank đã không còn hợp tác với đối tác nước ngoài là UOB (ngân hàng của Singapore). Thị trường băn khoăn về việc chưa đủ ưu đãi đối với nước ngoài khi tham gia quá trình tái cơ cấu TCTD yếu kém. Ông bình luận gì về vấn đề này?
Ngân hàng Nhà nước luôn xác định nguồn lực tài chính từ nước ngoài là quan trọng để hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu, đặc biệt là xử lý các TCTD yếu kém.
Theo Đề án 254, việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại giữa các TCTD nước ngoài với TCTD Việt Nam thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện và theo quy định của pháp luật hiện hành. Chính phủ khuyến khích các TCTD nước ngoài hợp tác kinh doanh chặt chẽ với TCTD Việt Nam, đặc biệt trong việc xử lý những vấn đề khó khăn của các TCTD Việt Nam.
Đối với TCTD yếu kém phải cơ cấu lại, Chính phủ khuyến khích các TCTD nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua lại, sáp nhập, hợp nhất. Đặc biệt, với từng trường hợp cụ thể, Thủ tướng sẽ xem xét, tăng giới hạn sở hữu cổ phần của TCTD nước ngoài tại các NHTM cổ phần yếu kém được cơ cấu lại.
Có thể nói, với quy định nêu trên, nhà đầu tư nước ngoài sẽ có thêm cơ hội tham gia đầu tư, tái cơ cấu TCTD Việt Nam.
Hiện nay trên thị trường đang có tình trạng một vài ngân hàng tranh nhau một ngân hàng để sáp nhập. Ngân hàng Nhà nước xử lý tình huống này thế nào?
Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi và ủng hộ hoạt động sáp nhập, hợp nhất trên cơ sở tự nguyện, phù hợp với lợi ích, chiến lược kinh doanh của từng TCTD và đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, góp phần lành mạnh hóa thị trường tiền tệ - ngân hàng.
Hiện Ngân hàng Nhà nước đang hướng dẫn thủ tục triển khai mua lại, sáp nhập, hợp nhất TCTD gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 06/3/2014 của Chính phủ và Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg ngày 15/9/2014 của Thủ Tướng Chính phủ. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý tiếp một bước cơ bản tình trạng sở hữu chéo để hình thành một số TCTD có quy mô lớn, khả năng cạnh tranh cao theo mục tiêu tại Đề án 254.
Một số TCTD yếu kém có thể được Ngân hàng Nhà nước xem xét, áp dụng biện pháp can thiệp bắt buộc thông qua mua cổ phần và tiến hành sáp nhập vào TCTD khác.
Việc buộc các ngân hàng phải tự xử lý được 60% nợ xấu dự kiến xử lý năm 2015 và bán tối thiểu 75% số nợ xấu muốn bán cho VAMC trong năm phải thực hiện trong 6 tháng đầu năm có phải là quá áp lực cho các ngân hàng, khi mà những quy định pháp lý chưa có nhiều thay đổi. Quan điểm về xử lý nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới như thế nào?
Trong tổng số nợ xấu đã được xử lý năm 2014, số nợ xấu do khách hàng tự trả chiếm tỷ lệ 35%, nợ xấu được TCTD xử lý bằng dự phòng rủi ro, qua phát mại tài sản để thu hồi nợ chiếm 30%, nợ được bán cho các tổ chức, cá nhân (chủ yếu là bán cho VAMC) chiếm 35%. Tỷ lệ nợ xấu bán cho VAMC gần đây tăng lên nhanh chóng do các TCTD đã nhận thấy phương thức này mang lại nhiều lợi ích cho chính TCTD.
Bởi vậy, với mục tiêu này, Ngân hàng Nhà nước thể hiện các giải pháp xử lý nợ xấu được ngành ngân hàng triển khai và có hiệu quả trong điều kiện không có sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước.
Để thực hiện mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD xuống mức 3% vào cuối năm 2015, nhiệm vụ trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới là phải tập trung đẩy mạnh phối hợp và triển khai các nhóm giải pháp xử lý nợ xấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD” ban hành theo Quyết định 843.
Đặc biệt, hoạt động mua, xử lý nợ xấu của VAMC cần được đẩy mạnh hơn nữa để VAMC thực sự trở thành công cụ đặc biệt của Nhà nước nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính của các TCTD, giảm thiểu rủi ro cho các TCTD, doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế.
Nguồn Bizlive