Thứ Tư | 02/07/2014 07:15

“Không đóng cửa khẩu biên giới Trung Quốc”

Tuy phía Trung Quốc có hạn chế và kiểm soát chặt chẽ hơn giao thương theo đường tiểu ngạch, nhưng không phải đóng cửa cửa khẩu.
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều tối 1/7, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên khẳng định như vậy trước câu hỏi của báo chí thực hư chuyện đóng cửa một số cửa khẩu ở biên giới tiếp giáp với Trung Quốc.

Theo Bộ trưởng Nên, Chính phủ cũng đã nghe các địa phương báo cáo về tình hình này trong phiên họp Chính phủ. Tuy phía Trung Quốc có hạn chế và kiểm soát chặt chẽ hơn giao thương theo đường tiểu ngạch, nhưng không phải đóng cửa cửa khẩu.

“Không có chuyện đóng cửa cửa khẩu biên giới ở một số tỉnh thành tiếp giáp với Trung Quốc như đồn đoán. Mọi hoạt động giao thương giữa Việt Nam – Trung Quốc qua các cặp cửa khẩu biên giới vẫn diễn ra bình thường”- Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định.

Nhắc đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, Bộ trưởng Nên đánh giá, Chính phủ cũng bàn kỹ hơn tác động việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Đồng thời cũng đưa ra kịch bản cụ thể, giải pháp ứng phó khi có tình hình xấu xảy ra.

“Thực ra tình hình này chúng ta đã có dự liệu từ lâu. Chủ trương của chúng ta vẫn là cố gắng trong các mối quan hệ bang giao không để tập trung quá mức vào 1 thị trường nhằm hạn chế rủi ro thấp nhất”- Bộ trưởng Nên nêu quan điểm.

6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP tăng ổn định qua các quý; 6 tháng đạt 5,18%, cao hơn mức 4,9% của cùng kỳ 2013). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 1,38% so với tháng 12/2013, thấp nhất trong 13 năm qua. Mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tỷ giá, thị trường ngoại hối cơ bản ổn định. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao, tiếp tục có xuất siêu; cán cân thanh toán thặng dư. Tiến độ thu ngân sách nhà nước đạt cao hơn cùng kỳ các năm trước.

Bộ trưởng Nên cũng truyền đạt quan điểm của Chính phủ, trong trường hợp có tình huống xấu xảy ra thì các bộ, ngành và DN phối hợp đưa ra giải pháp, mở rộng thị trường để không tập trung quá mức vào một thị trường khi có tình hình xấu.

“Chính phủ bàn rất sâu vấn đề này, tập trung đưa ra kịch bản, đề án trong tình huống cụ thể”- Bộ trưởng nói.

Nói thêm về các giải pháp để “tránh phụ thuộc vào một thị trường”, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải bổ sung thêm, không phải tới khi có sự kiện biển Đông xảy ra chúng ta mới nghĩ tới việc đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu mà đã làm từ lâu. Riêng 2 tháng qua, Bộ Công thương đã đẩy nhanh các cuộc đàm phán để tiến tới ký kết một số Hiệp định thương mại tự do trong năm 2014.

Cùng với đó là biện pháp đẩy mạnh mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường ngoài thị trường truyền thống như Nga, châu Phi… Bên cạnh đó, khuyến khích tiêu dùng nội địa, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phát triển vùng nguyên liệu và chủ động về nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

“Chính phủ thống nhất, tình hình kinh tế chung có ảnh hưởng từ sự kiện biển Đông, nhưng mức độ ảnh hưởng không lớn. Vì thế, Chính phủ vẫn kiên định, không thay đổi định hướng điều hành, không điều chỉnh mục tiêu chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu tăng trưởng GDP vẫn là 5,8% trong năm 2014”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên quả quyết.

Nguồn Infonet


Sự kiện