Không dễ phá sản ngân hàng
Cách đây 3 năm, giữa lúc thị trường ngân hàng trong thế “dầu sôi lửa bỏng”, nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã nhắc đến câu chuyện phá sản với Thông tư 07/2013. Việc phá sản các tổ chức tín dụng cũng đã được đề cập trong Luật Phá sản năm 2014. Thế nhưng, câu chuyện phá sản trôi vào quên lãng sau những thương vụ mua lại ngân hàng 0 đồng.
Cho đến gần đây, trong cuộc họp Quốc hội tháng 10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bắt đầu khơi lại vấn đề khi cho biết Chính phủ sẽ mạnh dạn cho thí điểm phá sản các ngân hàng yếu trong thời gian sắp tới. Theo quan điểm của Chính phủ, động thái này như là một cách “gạn đục khơi trong” cho thị trường, cảnh tỉnh các ngân hàng cổ phần, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.
Theo luật hiện hành, khi tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng thanh toán, Ngân hàng Nhà nước có quyền áp dụng các biện pháp kiểm soát đặc biệt và sau đó xử lý tùy từng trường hợp. Tuy nhiên, Luật Phá sản cũng có nói rõ, những tổ chức tín dụng nào không có khả năng khôi phục (theo đánh giá của cơ quan quản lý) thì sẽ mở thủ tục phá sản.
Trong thời gian qua, chưa có ngân hàng nào mà cơ quản quản lý đánh giá là không hồi phục được. Trong các trường hợp sáp nhập, quyền và nghĩa vụ trả nợ của ngân hàng cũ sẽ được chuyển sang cho ngân hàng nhận sáp nhập. Một khi vẫn còn tiền gửi của người dân (do người dân không quan tâm đến ngân hàng, không nắm thông tin, hoặc vẫn tin tưởng khoản tiền gửi của mình không bị mất đi), ngân hàng đó vẫn có khả năng “sống sót”. Trên thực tế, nhiều ngân hàng yếu kém đổi tên, đổi cổ đông lớn vẫn hoạt động bình thường và báo cáo mức tăng trưởng tiền gửi đều đặn.
Ở Việt Nam, số lượng tổ chức tín dụng yếu kém không phải là ít. Theo báo cáo tình hình kinh tế 9 tháng năm 2016 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, hiện nợ xấu tập trung chủ yếu tại 19 tổ chức tín dụng yếu kém, chiếm 55,1% tổng nợ xấu hệ thống. Dù các đơn vị này báo lãi, nhưng lãi dự thu trong hệ thống tăng cao, đến 17,2% so với cuối năm 2015 và tập trung vào các tổ chức tín dụng yếu kém (9 tổ chức tín dụng chiếm 61,7% tổng lãi dự thu toàn hệ thống). Dù hoạt động yếu kém, nhưng việc “khai tử” các tổ chức này vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Về bản chất, chuyện “gạn đục khơi trong” trên thị trường ngân hàng đều được hầu hết các chuyên gia kinh tế ủng hộ. Việc phá sản ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng nhỏ, lại càng được ủng hộ vì ít hệ lụy, chi phí xử lý thấp hơn so với các ngân hàng lớn. Điều này mang lại 2 thuận lợi quan trọng: thứ nhất, thời gian càng kéo dài đồng nghĩa với việc chi phí xử lý càng lớn. Thứ hai là loại bỏ được rủi ro về mặt đạo đức ở cả hai phía. Với người gửi tiền, đó là tình trạng đẩy tiền về nơi có lãi suất cao dễ dẫn tới cuộc đua lãi suất, thay vì nguyên tắc cơ bản “lãi suất càng cao, rủi ro càng lớn”. Về phía các cổ đông cũng phải có trách nhiệm hơn với đồng vốn của mình, thay vì chần chừ giải quyết nợ xấu khi tin rằng cuối cùng cũng được “giải cứu”.
Nói là vậy nhưng việc phá sản một ngân hàng chưa bao giờ dễ dàng. Có thể thấy hiện nay ở Việt Nam, hai tổ chức có “tiềm năng” trong việc giải quyết những trục trặc ở hệ thống ngân hàng là công ty mua bán nợ VAMC và Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (DIV).
Trong khi VAMC được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây thì những thông tin về DIV lại khá ít. Theo số liệu của DIV, tính đến cuối tháng 5.2016, với quy mô tổng tài sản hơn 30.600 tỉ đồng, cơ quan này đang theo dõi hơn 3 triệu tỉ đồng tiền gửi của người dân ở 1.252 tổ chức tham gia bảo hiểm, bao gồm 93 ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, 1.156 quỹ tín dụng nhân dân và 3 tổ chức tài chính vi mô. Trong khi đó, chỉ riêng khoản mục tiền gửi khách hàng của Ngân hàng Phương Nam cuối năm 2012 đã là 56.750 tỉ đồng.
Trên thế giới, các cơ quan bảo hiểm tiền gửi thường là cánh tay mặt của ngân hàng trung ương, chuyên lo chuyện dàn xếp phá sản, hoặc tái cấu trúc bằng nguồn lực của đơn vị bảo hiểm và nhiều tổ chức khác, rồi sau đó bán lại cổ phần các tổ chức tín dụng đã tái cấu trúc thành công. Chưa so sánh đến “ông lớn” Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC), một bài học khác là Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Hàn Quốc (KDIC) mới chỉ có 20 năm tuổi đời, lớn hơn DIV chỉ 4 năm, song lại đầy kinh nghiệm. Làn sóng xử lý các tổ chức tín dụng của Hàn Quốc bắt đầu mạnh mẽ vào đầu thập niên 2000 và KDIC chứng minh được vai trò chủ lực của mình.
Lẽ dĩ nhiên, các nhà quản lý ở Việt Nam không hẳn không thấy được điều này. Hàng loạt các đề xuất cải tổ bảo hiểm tiền gửi đã được trình lên từ nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa thấy sự thay đổi tích cực. Ví dụ, lần thay đổi mức chi trả của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam là vào năm 2005 và đến nay vẫn dừng lại ở con số 50 triệu đồng.
Có lẽ, chính tâm lý không để ngân hàng nào phá sản đã khiến cho mức chi trả bảo hiểm “không cần thiết” phải tăng lên trong thời gian qua. Nhưng nếu mở đường cho việc phá sản, mức chi trả bảo hiểm không thể không tăng lên. Gần đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp tục đặt ra yêu cầu cấp thiết phải thay đổi DIV về mọi mặt.
Điều tương tự cũng đang diễn ra với một cánh tay khác xử lý rắc rối trong hệ thống ngân hàng là VAMC. Giống như DIV, tổ chức chuyên xử lý nợ xấu này cũng đang gặp trục trặc về cơ chế xử lý nợ. Lập ra VAMC là một hướng đi mới năng động của các nhà quản lý Việt Nam, bên cạnh cơ chế cũ kỹ DIV. Tuy nhiên, mới chỉ khai sinh là chưa đủ, cần phải có cơ chế pháp lý để những đơn vị này có quyền “khai tử” các tổ chức tín dụng.
Có lẽ vì thế mà con đường phá sản ngân hàng dường như vẫn còn rất xa. Sau 10 năm, Luật Phá sản 2014 đã được sửa đổi để tạo lập cơ chế mới nhằm cho phép các doanh nghiệp nói chung được quyền “khai tử” thuận lợi hơn. Tuy nhiên, trong khảo sát của World Bank gần đây, Việt Nam nằm trong nhóm nước “kém” nhất về mặt phá sản khi xếp hạng 125/180 quốc gia (Thái Lan ở vị trí 23, Malaysia 46, Trung Quốc 53). Đơn cử, phải mất đến 5 năm để một doanh nghiệp Việt hoàn thành thủ tục phá sản, trong khi con số trung bình của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương là 2,2 năm. Doanh nghiệp bình thường đã vậy, các ngân hàng còn gặp khó khăn hơn trong việc thực hiện thủ tục phá sản. Các tổ chức tín dụng ngày nay không những đã bị cấm cửa “tự sinh”, cửa “tự diệt” càng không phải do mình quyết định và nhiều khi còn khó hơn lên trời.
Thiên Phong