Thứ Ba | 10/04/2012 09:34

Không dễ hủy niêm yết tự nguyện

Các doanh nghiệp không dễ hủy niêm yết tự nguyện do chưa đưa ra được phương án giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho cổ đông.
Chỉ tính sơ bộ, đến nay, đã có khoảng 15 doanh nghiệp (DN) định hủy niêm yết. Tuy nhiên, theo thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE), tính đến thời điểm này, mới chỉ có CTCP Nước giải khát Tribeco (TRI) có hồ sơ xin hủy niêm yết tự nguyện được chấp thuận,

Còn hồ sơ của CTCP Dược phẩm Mekophar (MKP) vẫn đang trong quá trình xem xét. Tại Hà Nội (HNX), theo ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó tổng giám đốc HNX, hiện vẫn chưa nhận được hồ sơ xin hủy niêm yết tự nguyện của DN nào.

Trước đây, việc tự nguyện rời sàn chủ yếu để phục vụ cho quá trình sáp nhập DN. Trường hợp cá biệt là Hacinco (HSC) xin hủy niêm yết vì không tăng được vốn điều lệ từ 8,5 tỷ đồng lên trên 10 tỷ đồng, điều kiện bắt buộc về vốn để niêm yết trên HNX thời điểm đó, cũng như không đảm bảo được quy định của 1 công ty đại chúng là phải có ít nhất 100 cổ đông.

Tuy nhiên, từ sau những trường hợp kể trên, việc hủy niêm yết tự nguyện không dễ dàng. Theo ông Trung, không phải vì cơ quan quản lý gây khó, mà chủ yếu vì động cơ rời sàn của các DN đã rất khác trước.

Chẳng hạn, lý do để SGT, SQC muốn rời sàn vì DN không còn thấy sự hấp dẫn từ thị trường chứng khoán (TTCK).

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch SGT cho rằng, một khi TTCK mất đi vai trò kênh dẫn vốn cho DN, việc niêm yết đã không còn ý nghĩa. Giá cổ phiếu SGT đã xuống quá thấp, ảnh hưởng đến uy tín DN và quyền lợi cổ đông.

Quan điểm này của ông Tâm ngay lập tức vấp phải sự phản đối từ nhiều NĐT lẫn các chuyên gia. Bởi lẽ, dù tốt hay xấu, khi còn niêm yết, DN còn tuân thủ các quy định về công bố thông tin và cổ phiếu còn được đảm bảo về thanh khoản.

Đặc biệt, khi đang niêm yết, DN vẫn có thể tái cơ cấu như thường. Vì thế, khi lãnh đạo SGT lấy lý do tái cấu trúc DN để xin hủy niêm yết, một số nhà đầu tư rất nghi ngờ. Tuy nhiên, với tỷ lệ cổ đông lớn nắm phần lớn cổ phần ở SGT, ĐHCĐ năm 2011 của SGT vẫn thông qua chủ trương này.

SGT và một loạt DN khác, với những động cơ đặc biệt hơn (như TRI, IFS) đã đặt ra cho phía quản lý vấn đề về bảo vệ quyền lợi cổ đông.

Quy chế niêm yết chứng khoán tại HOSE hiện hành quy định việc xin hủy niêm yết tự nguyện cần 65% số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp thông qua. Nhưng dù tỷ lệ 65% chưa có gì để đảm bảo rằng quyền lợi cổ đông nhỏ sẽ được bảo vệ.

Vì quan trọng là ai sẽ đứng ra mua cổ phiếu sắp hủy niêm yết khi NĐT muốn bán? Mức giá chào mua sẽ như thế nào để cổ đông không thiệt? Thanh khoản của cổ phiếu sẽ ra sao sau khi rời sàn?

Cho đến lúc này, theo các cơ quan quản lý, hầu hết các DN xin hủy niêm yết đều chưa đưa ra được phương án giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho cổ đông. Đó chính là một trong những lý do mà ý định hủy niêm yết từ nhiều DN thời điểm này chưa được các Sở chấp thuận.

Duy có TRI được chấp thuận vì đã có phương án chi tiết về giải quyết quyền lợi cho cổ đông nhỏ với tên tuổi người mua lại cổ phần và các mốc thời gian cụ thể của tiến trình chào mua công khai.

TRI cũng cho biết, sau khi hủy niêm yết, nếu còn là công ty đại chúng, TRI sẽ niêm yết ở sàn UPCoM để đảm bảo thanh khoản cổ phiếu.

Theo đánh giá của các chuyên gia, DN muốn hủy niêm yết ít nhiều đều gặp khó khăn về kinh doanh hoặc quản trị. Vì thế, không phải DN nào cũng tìm được nguồn tài chính để mua lại cổ phiếu từ cổ đông như TRI hay MKP.

Nguồn ĐTCK


Sự kiện