Không dễ huy động người dân bán vàng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN đã có Đề án Chống vàng hóa với ba bước: xây dựng khung khổ pháp lý, chấm dứt huy động và cho vay vàng của các tổ chức tín dụng và chuyển từ quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán vàng. Đến nay, NHNN đã triển khai cơ bản hai bước đầu và đang tiến tới bước cuối cùng là chuyển sang quan hệ mua – bán vàng.
Ông Lê Minh Hưng, Phó thống đốc NHNN cũng khẳng định, thời gian tới, huy động vàng trong dân sẽ không được tiến hành như cách làm trước đây (gửi tiết kiệm bằng vàng), mà Nhà nước sẽ đối xử với vàng như với ngoại tệ.
Cụ thể, Nhà nước sẽ chuyển từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua - bán vàng theo cung - cầu thị trường. Theo đó, các tổ chức tín dụng sẽ không được huy đôïng vàng, còn người dân, nếu muốn bảo quản hay đảm bảo an toàn cho tài sản vàng của mình, thì phải trả phí để ngân hàng giữ hộ vàng.
Định hướng NHNN đưa ra về huy động vàng đã khá rõ ràng. Tuy nhiên, việc thuyết phục người dân chuyển sang quan hệ mua – bán vàng không dễ, do người dân có thói quen tích trữ vàng từ lâu đời, mà kinh tế càng bất ổn, thì tình trạng tích trữ vàng càng tăng. Do vậy, theo một số chuyên gia, trước mắt, NHNN vẫn phải tính đến việc huy động.
“NHNN có thể cho phép các ngân hàng thương mại huy động vàng, song cấm tuyệt đối việc cho vay vàng hoặc chuyển đổi vàng sang tiền đồng để cho vay”, TS. Trần Du Lịch phát biểu.
TS. Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng nghi ngờ khả năng NHNN có thể huy động vàng trong dân theo hình thức mua – bán tại thời điểm này.
“Hiện nay, các giải pháp đưa ra chỉ mới gỡ được vài khúc mắc ban đầu của thị trường, nên chưa thể chuyển ngay sang quan hệ mua – bán vàng. Theo tôi, chỉ khi chuẩn bị được đầy đủ 3 yếu tố trên, đồng thời tạo được niềm tin cho người dân, thì người dân mới không muốn nắm giữ vàng, chuyển sang bán cho Nhà nước, giống như đã làm với ngoại tệ”, TS. Cao Sĩ Kiêm nhấn mạnh.
Tìm đầu ra cho vàng
Một số chuyên gia kinh tế cảnh báo, NHNN không nên vội vã huy động vàng trong dân, khi chưa trả lời được câu hỏi huy động vàng thế nào cho hiệu quả. Song luồng ý kiến khác lại cho rằng, để một lượng vốn lớn nằm “chết” trong dân là lãng phí lớn.
Ông Đinh Nho Bảng, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam phân tích: “Lập Đề án Huy động vàng trong dân cần thận trọng, song không vì tính phức tạp của nó mà lần lữa, bỏ qua. Chúng ta có hàng trăm tấn vàng đang ‘nằm chết’ trong dân. Tại sao không huy động về phục vụ dự trữ quốc gia, phát triển kinh tế? Vấn đề là huy động thế nào và sử dụng ra sao cho hiệu quả”.
Chuyên gia Phạm Đỗ Chí cho rằng, giải pháp khả dĩ nhất với vàng huy động là có thể đem số vàng này cầm cố cho các tổ chức nước ngoài để vay vốn. Với cách làm này, Việt Nam vẫn có thể phát huy nguồn lực vàng trong dân, vừa không chịu áp lực vàng vật chất khi đáo hạn. Trên thực tế, Việt Nam đang phải chấp nhận vay nợ nước ngoài với mức lãi suất không hề rẻ, do đó, đây là một giải pháp khả thi.
Tương tự, TS. Trần Du Lịch cho rằng, các ngân hàng thương mại có thể sử dụng số vàng này chiết khấu với NHNN để vay tiền đồng. Như vậy, số vàng đó vẫn được bảo đảm để chi trả cho người dân.
Còn theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Trung Khánh, NHNN có thể cho phép các công ty sản xuất vàng nữ trang uy tín, đã niêm yết, báo cáo tài chính rõ ràng… được vay vàng, với những công cụ an toàn, những điều kiện chặt chẽ, rõ ràng. Định mức vay vàng cũng được quy định cụ thể nhằm đảm bảo khả năng chi trả của các công ty.
Dù vậy, giải pháp dài hạn, theo ông Đinh Nho Bảng, là phải có biện pháp hạn chế người dân đầu tư vào vàng vật chất. Nếu không, xu hướng mua vàng tích trữ có thể quay lại bất cứ lúc nào.
Nguồn Báo Đầu tư