Không dễ gọi vốn trong dân
Để không tụt hậu và có thể xứng tầm một trung tâm kinh tế- tài chính của quốc gia, ước tính TP.HCM cần 1 triệu tỉ đồng, tức xấp xỉ 45 tỉ USD cho phát triển cơ sở hạ tầng giai đoạn 2015-2030. Con số này còn lớn gấp hàng chục lần nếu nhìn trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lâu nay, vốn ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu. Phần thiếu hụt phải huy động thêm từ vốn bên ngoài.
Nhưng nguồn vốn bên ngoài, cụ thể là vốn ODA đang có xu hướng giảm. Đáng chú ý, đến tháng 7.2017, World Bank sẽ chấm dứt vốn ODA ưu đãi với Việt Nam. Nguồn vốn ODA trong tương lai sẽ chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên. Dự kiến trong 5 năm tới, vốn ODA và vốn vay ưu đãi chỉ có thể chiếm khoảng 8%, vốn FDI ước chiếm 14% tổng nhu cầu vốn đầu tư của Việt Nam.
Theo tính toán của ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó trưởng Khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM, nguồn lực trong dân, gộp chung vàng, ngoại tệ, tiền tiết kiệm… vượt cả số tiền đầu tư cần đến. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là làm sao để dân chịu “góp vốn””?
Rõ ràng, muốn người dân tự nguyện góp tiền vào để cùng phát triển đất nước, không có cách nào khác hơn là làm người dân thấy được lợi ích thực sự và không bị rủi ro. Lợi ích này không đơn giản chỉ là đưa ra mức lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng, như một số ý kiến đã nêu. Bởi lãi suất có thể lên xuống bất thường. Đáng lo hơn, nếu dự án bị trầy trật, chủ đầu tư sẽ dùng nguồn tiền nào để trả lại cho dân?
Muốn dân góp vốn, phải làm họ thấy được lợi ích thực sự và không bị rủi ro. Ảnh: Quý Hòa |
Vì thế, tính hiệu quả của dự án mới là yếu tố quan trọng trong thu hút vốn đầu tư. Chúng ta phải có bằng chứng, nghiên cứu, tính toán cụ thể về các kịch bản, các đánh giá dự báo cơ hội, thách thức sẽ xảy đến cho dự án. Nhà nước phải có những cam kết chắc chắn về lộ trình, chính sách, luật lệ, thủ tục, các giải pháp đảm bảo cho dự án được diễn ra đúng kế hoạch, đúng chất lượng.
Chủ đầu tư phải minh bạch tất cả những thông tin về năng lực thực hiện như đưa ra được các phương án trả nợ, chia lợi ích cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư được cập nhật, tham gia kiểm tra, giám sát chất lượng dự án, phải nắm được các biện pháp trừng phạt xử lý nếu có sai phạm.
Tại châu Á, Nhật, Hàn Quốc và Singapore từng thi hành chính sách huy động vốn toàn dân để phát triển kinh tế. Trong đó, Nhật là quốc gia vay mượn của người dân chứ không vay nước ngoài với khẩu hiệu “Nhật nợ Nhật”. Để làm được chuyện này, sự giám sát của người dân, hay chính là các “chủ nợ” rất chặt chẽ và khắt khe. Trong 27 năm qua, Chính phủ Nhật có đến 16 đời Thủ tướng thay nhau cầm quyền. Trung bình, mỗi đời Thủ tướng cầm quyền chưa tới 1,7 năm do từ chức hoặc bị phế truất nếu không đáp ứng được yêu cầu.
Người dân cũng khó lòng sốt sắng nếu Nhà nước không đóng vai trò chủ đạo và làm gương. Đây là lý do để nhiều chuyên gia cùng kiến nghị, phải nâng tầm vóc của Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC), tức đưa HFIC từ một định chế tài chính công trở thành đầu mối huy động vốn cho TP.HCM. Các tổng công ty nhà nước cũng phải nhiệt tình tham gia vào những dự án cơ sở hạ tầng.
Nhưng dù giải pháp gì thì vai trò của Nhà nước vẫn sẽ mờ nhạt nếu giữ theo tỉ lệ ngân sách như hiện tại. Ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nhấn mạnh, vốn ngân sách cho hạ tầng TP.HCM phải tăng gấp đôi mới mong Nhà nước thể hiện được vai trò đầu tàu, lôi kéo các tổ chức, cá nhân khác cùng tham gia.
Việt Nam có thể không rót thêm nguồn ngân sách trực tiếp. Nhưng giải pháp được giới chuyên gia đưa ra là Việt Nam cần thử nghiệm mô hình đơn vị hành chính đặc biệt và giữ lại một phần nguồn thu từ các khu hành chính đặc biệt này. Giải pháp nữa là liên kết vùng và xây dựng các chương trình đột phá chỉnh trang đô thị. Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm của thế giới trong phân bổ ngân sách như rót vốn ngân sách cho phát triển hạ tầng dựa vào năng suất và giá trị tạo ra của địa phương thay vì cào bằng, chia nhiều cho các vùng miền.
Việt Nam cũng có thể học hỏi các nước đã phát triển tốt cơ sở hạ tầng nhờ nguồn tài trợ đến từ các thuế, phí. Đó có thể là thuế nhiên liệu như Mỹ đã làm cho hệ thống đường cao tốc hay thuế cải thiện từ giá trị đất đai tăng thêm sau khi có cơ sở hạ tầng xuất hiện. Tuy nhiên, việc áp dụng thuế, phí sao cho hợp lòng dân là rất quan trọng. Bởi thế, ứng xử phù hợp trong quy hoạch phát triển hạ tầng là Nhà nước sẽ đứng ra thực hiện các công việc như giải phóng mặt bằng, tính toán lợi ích các bên trên cơ sở đảm bảo công 1bằng cũng như có những điều chỉnh linh hoạt theo bối cảnh thực tế.
Nhà nước cũng có thể tận dụng các công cụ hiện có để thể hiện vai trò chủ đạo trong phát triển cơ sở hạ tầng. Hay có thể khai thác hiệu quả, minh bạch các quỹ đất thông qua các chương trình đổi đất lấy hạ tầng, thành lập liên doanh như TP.HCM đã từng thành công khi bắt tay với đối tác phát triển khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
Đối với hình thức đầu tư hạ tầng qua mô hình hợp tác công tư (PPP), chủ yếu là hợp tác với tổ chức nước ngoài, các chuyên gia lưu ý đến nhiều yếu tố cần có để đảm bảo cho PPP thành công. Đó là dự án phải được lập kế hoạch kỹ càng, ước tính chặt chẽ các chi phí và nguồn thu, người sử dụng sẵn sàng chi trả và truyền thông tốt, mô hình PPP được nghiên cứu kỹ... Việt Nam thường không hội đủ các yếu tố này nên phát triển hạ tầng qua mô hình PPP rất khó khăn. Theo một khảo sát từ Đại học Kinh tế TP.HCM, gần 65% nhà đầu tư tư nhân chưa sẵn lòng tham gia vào PPP.
Tất cả hướng trông đợi đến nguồn lực dân chúng. Nhưng người dân luôn nhìn vào thái độ của Nhà nước để suy xét, đánh giá trước khi dốc vốn “hùn” cùng Nhà nước.
Ngọc Thủy