Không để dự án ODA giao thông nào chậm trễ
Vì vậy, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu một loạt các biện pháp tháo gỡ, tạo điều kiện tối đa để các dự án ODA giao thông khắc phục tình trạng khởi động chậm, triển khai trễ, thiếu đối ứng hiện đang làm giảm hiệu quả và lợi thế ưu đãi từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức.
Bên cạnh việc luôn dành nguồn ngân sách cùng các nguồn vốn xã hội rất lớn hàng năm, thì một nguồn lực đáng kể từ nguồn vốn ODA được huy động tài trợ đầu tư cho ngành giao thông.
Nỗi lo giải ngân thấp
Báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư tại Hội nghị của Ban chỉ đạo quốc gia về vốn ODA, chiều 21/6, cho biết riêng nguồn vốn ODA từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho giao thông lên tới khoảng 4,8 tỷ USD. Trong số 1,7 tỷ USD vốn ODA từ WB (mà hầu hết là vốn ưu đãi IDA) tài trợ cho các dự án giao thông thì năm 2013 giải ngân được 8% kế hoạch so với tốc độ chung 19,47% của toàn bộ danh mục các dự án. Còn trong 3,1 tỷ USD vốn ODA từ ADB thì cũng luôn ở mức thấp trong giai đoạn vừa qua, năm 2012 đạt 8% so với tốc độ 12% của toàn bộ danh mục; 5 tháng đầu năm 2013, con số này chỉ là 3%.
Những ý kiến từ các nhà tài trợ chỉ ra nguyên nhân chính của tình trạng này là việc thiếu vốn đối ứng cho giải phóng mặt bằng, tái định cư. Mặt khác, báo cáo khả thi và các văn kiện dự án không đạt chất lượng, năng lực quản lý hợp đồng của chủ dự án chưa đạt yêu cầu và thời gian khởi động của hầu hết các dự án đều chậm.
Những dự án đang gặp khó khăn được điểm tên bao gồm: Dự án phát triển giao thông ĐBSCL; Dự án phát triển giao thông đồng bằng Bắc bộ; đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi; giao thông đô thị TP Hà Nội; giao thông đô thị TP Hải Phòng; tuyến Đường sắt Yên Viên-Lào Cai; tuyến tàu điện ngầm TP Hà Nội (tuyến 3), TPHCM (tuyến 2),…
Các nhà tài trợ đều có kiến nghị lên Chính phủ có những giải pháp tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, trong đó tập trung sử dụng linh hoạt các nguồn để bố trí đủ vốn đối ứng, tạo thuận lợi để có mặt bằng cho dự án; phân cấp, trao quyền chủ động hơn nữa cho các văn phòng tại VN trong việc xử lý một số thủ tục.
Kiên quyết xử lý chủ đầu tư thiếu năng lực
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ rõ thực trạng trên là “rất đáng lo ngại” và công tác triển khai những dự án ODA giao thông thời gian qua tuy có những tiến bộ nhưng hầu hết vẫn “kém và hạn chế”.
“Việc chậm trễ ở các dự án làm giảm hiệu quả và lợi thế ưu đãi từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức rất đáng quý hiện nay. Trong khi đa số đều là những dự án có ý nghĩa kinh tế-xã hội to lớn và nguy hiểm ở chỗ là phổ biến suy nghĩ “coi chậm tiến độ trong triển khai là bình thường hiện nay”, Phó Thủ tướng nói.
Tán thành với những ý kiến, đối thoại của các Bộ, ngành và nhà tài trợ, Phó Thủ tướng yêu cầu phải liệt kê và phân loại rõ những hạn chế, tồn tại ở các dự án hiện nay để đưa ra những biện pháp cấp bách, phải làm ngay cũng như dài hạn, xử lý triệt để các điểm yếu.
Trên tinh thần đó, vốn đối ứng để triển khai dự án là điều cần ưu tiên giải quyết sớm và bằng mọi cách phải đảm bảo. Trên cơ sở rà soát từng dự án, đầu tháng 7 tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình báo cáo đầy đủ để Chính phủ xem xét, cân đối phù hợp.
Tương tự là vấn đề giải phóng mặt bằng, quy trình thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, các Bộ, ngành liên quan khẩn trương xử lý những vụ việc, vướng mắc mà cấp thẩm quyền hiện nay đang vướng hoặc chẫm trễ để báo cáo Thủ tướng có chỉ đạo xử lý dứt điểm. Trong trường hợp thật cần thiết, quá khó khăn mới xem xét đến việc tái cơ cấu dự án.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải kiên quyết xử lý những nhà thầu yếu kém, không để tình trạng cạnh tranh bỏ thầu giá quá thấp hoặc vì tranh nhau dự án mà đầu tư nhân lực, khả năng tài chính không đảm bảo yêu cầu. Đối với dự án quá chậm thì có thể đánh giá lại năng lực chủ đầu tư, BQL dự án để kiên quyết xử lý, xem xét điều tiết vốn cho dự án ưu tiên khác.
Về lâu dài, Chính phủ sẽ xem xét, có lộ trình cùng các nhà tài trợ xử lý đối với những vấn đề vướng mắc mà thực tế chỉ ra trong các cơ chế, chính sách của cả hai bên.
Nguồn Chinhphu.vn