Không dễ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng
Mục tiêu các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ năm 2013 được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, là thận trọng và linh hoạt, nhằm kiềm chế lạm phát, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Năm 2013, NHNN có thể hỗ trợ nguồn vốn cho các tổ chức tín dụng vay với lãi suất hợp lý hơn để đẩy mạnh tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, lãi suất cho vay cũng phải được các ngân hàng điều chỉnh dần khi trần huy động về mức 8%/năm vào cuối năm 2012. Mặt bằng lãi suất cho vay tiền đồng kỳ vọng giảm, dao động trong khoảng 11 - 13%/năm.
Tuy nhiên, theo các ngân hàng, rất khó đẩy mạnh hoạt động tín dụng trong năm 2013. Bởi rào cản lớn nhất vẫn là nợ xấu. Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn tại TP.HCM cho rằng, nợ xấu gia tăng là lý do chính khiến ngân hàng ngại trao vốn cho doanh nghiệp.
“Tăng trưởng tín dụng của chúng tôi trong năm qua ở mức khá thấp, nhưng tỷ lệ nợ xấu lại tăng. Bởi khả năng trả nợ của khách hàng yếu dần, nên ngân hàng không thể tiếp thêm ‘máu’ khi cơ thể doanh nghiệp không thể hấp thu nổi trước áp lực hàng tồn kho không giảm, còn sức tiêu thụ của thị trường cuối năm vẫn chậm”, vị tổng giám đốc trên nói và cho biết, kế hoạch tăng trưởng tín dụng của ngân hàng ông năm 2013 là thận trọng và tăng cường xử lý nợ xấu, để giảm dự phòng rủi ro tín dụng.
Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, tăng trưởng tín dụng năm 2012 của Ngân hàng ước đạt 14-15% và dự kiến kế hoạch năm 2013 chỉ cao hơn 1%. Theo ông Bình, tình hình hoạt động của ngành trong năm nay được dự báo còn khó khăn nhất định và hoạt động cho vay chưa thể phát triển mạnh như kỳ vọng. Nguyên nhân là do hàng tồn kho khó giảm mạnh trong bối cảnh sức mua thị trường yếu, nên doanh nghiệp chưa mặn mà với việc sử dụng vốn vay để đầu tư sản xuất, kinh doanh mới.
Phó tổng giám đốc HDBank, ông Phạm Thiện Long cũng chia sẻ: “Trong bối cảnh này, doanh nghiệp cũng hạn chế sử dụng vốn vay. Vì một khi đầu ra sản phẩm chưa được cải thiện, thì nhu cầu đầu tư, sản xuất mới cũng khó tăng mạnh. Khả năng tín dụng năm nay khó có đột biến, cho dù lãi suất giảm.
Trên thực tế, lãi suất cho vay đã được các ngân hnàg cắt giảm dần về mức thấp hơn cả trần huy động, để thu hút khách hàng tốt vay vốn. Song những khách hàng tốt, không có nợ xấu lại chưa muốn vay vốn ngân hàng. Đơn cử, tại Eximbank, lãi suất cho vay đã giảm về 8 - 9%/năm cho các đơn vị trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, nhưng vẫn khó đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ. Tín dụng của Eximbank tính đến cuối năm 2012 vẫn âm hơn 6% và tăng trưởng tín dụng năm nay cũng trên cơ sở thận trọng để hạn chế rủi ro nợ xấu.
Lãi suất cho vay được xác định còn giảm tiếp trong thời gian tới và người đứng đầu ngành ngân hàng cũng cho rằng, với kịch bản lạm phát ở mức 4 - 5% trong năm 2013, thì lãi suất có thể giảm rất nhanh. Tuy nhiên, còn rất nhiều yếu tố cho thấy, nguy cơ bùng nổ lạm phát trở lại là không nhỏ, nên NHNN sẽ rất thận trọng. Vì thế, việc giảm lãi suất năm 2013 còn phụ thuộc vào nền kinh tế có kiểm soát được lạm phát hay không.
NHNN khẳng định, sẽ không có quy định trần lãi suất cho vay chung cho mọi đối tượng vay, mà chỉ áp dụng cho một số ngành, lĩnh vực ưu tiên là 12%/năm.
Với sự lạc quan đầy cẩn trọng, HSBC dự báo năm 2013 kinh tế vĩ mô Việt Nam sẽ là một năm tươi sáng hơn so với năm 2012. Theo HSBC, các quan chức về tài chính trên toàn cầu đang làm những gì có thể để kích cầu nội địa. Điều này có nghĩa là, nhu cầu từ nước ngoài đối với hàng hoá Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ cải thiện. Tuy nhiên, HSBC cũng dự báo rằng, sẽ không có sự đột phá lớn về tăng trưởng tín dụng trong năm 2013, khi vấn đề nợ xấu chưa được giải quyết.
(Theo Báo đầu tư)