Không còn an toàn khi 'găm' vàng
Vàng không còn tài sản an toàn cho nhà đầu tư?
Trong tuần vừa qua, diễn biến trên thị trường vàng thế giới cho thấy, dường như vàng, trái phiếu đã không còn là tài sản an toàn mà nhà đầu tư tìm kiếm mỗi khi khủng hoảng. Nhiều nhà phân tích cho biết, dù giá vàng đã giảm khá sâu ở những phiên cuối tuần qua nhưng chưa thấy có dấu hiệu đột biến nào về lực mua vàng. Điều này khác hẳn so với đợt vàng lao dốc trong tháng 4.
Trong khi đó, USD có thể coi là trú ẩn an toàn cuối cùng cho nhà đầu tư khi thị trường cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ và hàng hóa đồng loạt giảm lần đầu tiên kể từ năm 2011.
Cuộc tìm kiếm tài sản an toàn được bắt đầu kể từ khi thị trường liên tục sụt giảm trước những thông tin tiêu cực Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố ngân hàng này có thể ngừng nới lỏng tiền tệ vào giữa 2014 trong khi tình trạng khan hiếm tiền trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc trầm trọng hơn.
Theo số liệu của Bank of America Merrill Lynch, lo ngại các chính phủ rút dần các chương trình kích thích kinh tế, đặc biệt là Mỹ khiến thị trường toàn cầu lao dốc, chỉ số MSCI đo lường chứng khoán toàn cầu, đã giảm 3% trong khi giá vàng, đồng, dầu thô giảm từ 2,5% trở lên và khiến giá trái phiếu các kỳ hạn giảm 0,4% trong tuần vừa qua.
Kim Rupert, trưởng bộ phận đầu tư trái phiếu tại Action Economics ở San Fransisco, Mỹ từng lo ngại rằng, một khi Fed bắt buộc phải nâng lãi suất, những người nắm giữ trái phiếu sẽ phải gánh khoản lỗ lớn. Nếu Fed tăng lãi suất, giá trị của các trái phiếu có lợi suất thấp vốn được coi là tài sản an toàn sẽ bị bào mòn nhanh chóng tương tự như năm 1994 hay 2004.
Giá cả trên thị trường thế giới biến động mạnh khi nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường cổ phiếu, trái phiếu và hàng hóa. “Chúng tôi bắt đầu thấy hiện tượng định giá lại tài sản khi có sự thay đổi quan điểm về chính sách của Fed", Stephen Wood tại công ty quản lý tài sản Russell nhận định.
Theo số liệu của EPFR Global, trong 3 tuần kết thúc vào ngày 12/6, hơn 19 tỷ USD rút khỏi các quỹ đầu tư vào tài sản thị trường mới nổi. Đây là mức rút vốn mạnh nhất kể từ năm 2011. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 5,6 tỷ USD trái phiếu Brazil và 3,2 tỷ USD trái phiếu Ấn Độ.
Chỉ số tiền tệ thị trường mới nổi của JPMorgan Chase giảm 1,4% trong quý này trong khi đồng rupee xuống thấp kỷ lục vào tuần trước, real của Brazil xuống thấp nhất kể từ năm 2009.
Trong khi đó, chỉ số Dollar đo sức mạnh USD tăng 1,5% trong tuần này và được dự báo tiếp tục tăng. “Trong môi trường này, USD có thể sẽ tăng mạnh khi thị trường bắt đầu tin rằng lãi suất sẽ tăng”, chuyên gia tại công ty quản lý tài sản Loomis Sayles nhận định.
Thị trường trong nước: Khuyến khích giữ tiền Việt
Ở tuần vừa qua, giá vàng trong nước cũng “chao đảo” theo giá thế giới, có lúc giảm về gần mốc 37 triệu đồng. Ở phiên cuối tuần này, giá vàng trồi sụt quanh mức 39 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới cao khiến người mua vẫn phải chịu thiệt từ 5-6 triệu đồng/lượng.
Nhận định về thị trường vàng, mới đây, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối NHNN cho biết: “Chắc chắn sau ngày 30/6, mức chênh lệch sẽ giảm, không loại trừ khả năng lúc đó NHNN sẽ mua vào, để đảm bảo giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới, nếu điều kiện thị trường cho phép. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự thảo khung pháp lý 2 chiều, NHNN có thể tham gia thị trường theo 2 vai cả mua lẫn bán”.
Về vấn đề liên thông với giá thế giới, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng thẳng thắn thừa nhận, dù cho có nhập vàng liên tục thì giá vẫn sẽ chênh lệch.
Theo ông Hưng, việc liên thông là khó do nhu cầu vàng ở Việt Nam là vật chất. Trong khi đó, ký hợp đồng nhập vàng thì phải một tuần mới về tới nơi, lúc đó giá thế giới đã biến động so với giá lúc nhập.
Cũng ở tuần qua, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại lại tăng và giao dịch quanh mốc 21.000 đồng. Trong ngày 22/6/2013, tại Vietcombank, tỷ giá USD được yết mua vào - bán ra ở mức 21.025 - 21.036 đồng/USD.
Tại ngân hàng ACB tỷ giá USD được giao dịch ở mức 21.015 đồng/USD chiều mua vào và 21.036 đồng chiều bán ra.
Tỷ giá tự do trên thị trường Hà Nội sáng ngày 21/06 mua vào - bán ra ở mức 21.350 - 21.400 đồng/USD, tăng khoảng 70-80 đồng/USD.
Hiện, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ tỷ giá liên ngân hàng ở mức 20.828 đồng/USD. Tỷ giá này được giữ ổn định từ ngày 25/12/2011.
Theo báo cáo về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2013 được NHNN công bố trong tuần vừa qua, ngay từ đầu năm, Thống đốc NHNN đã đề ra mục tiêu ổn định tỷ giá trong biên độ tăng không quá 2-3% trong năm 2013, nhằm kiểm soát kỳ vọng về sự mất giá của đồng Việt Nam, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động lập và thực hiện kế hoạch kinh doanh.
Trong 6 tháng đầu năm, tỷ giá và thị trường ngoại hối về cơ bản ổn định, thanh khoản ngoại tệ hệ thống cải thiện; thời điểm sau Tết âm lịch tỷ giá biến động nhưng NHNN cho rằng đây chủ yếu do yếu tố tâm lý và đã ổn định trở lại sau các tuyên bố chính sách của NHNN.
Tuy nhiên, từ tháng 4 đến nay, tỷ giá có xu hướng tăng trở lại. Theo NHNN, một mặt là do yếu tố tâm lý, mặt khác do áp lực cầu ngoại tệ đã xuất hiện khi nhập siêu tăng trở lại. Áp lực tăng tỷ giá USD cũng đã được NHNN kịp thời can thiệp với khối lượng hợp lý.
Từ nay tới cuối năm, NHNN cho biết, sẽ theo dõi sát diễn biến tỷ giá, thị trường tiền tệ, ngoại hối, thường xuyên rà soát số liệu dự báo cán cân thanh toán quốc tế để có cơ sở đánh giá cung cầu ngoại tệ, theo đó điều hành tỷ giá phù hợp. Đồng thời, khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ giữa điều hành tỷ giá và lãi suất theo hướng khuyến khích nắm giữ VNĐ, hạn chế sự dịch chuyển sang USD.
(Theo VnMedia)