Thứ Sáu | 09/05/2014 15:05

"Không có việc Việt Nam rút tàu trước khi đàm phán"

Chiều 9/5, Hội Luật gia ra tuyên bố phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vùng biển Việt Nam.
* Tiếp tục cập nhật...

14h25, "Thế mạnh chúng ta là pháp lý nên phải khai thác điều này", ông Trục khẳng định.

Phó chủ tịch Hội luật gia Lê Minh Tâm cho rằng trong tuyên bố của Hội đã yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan. Còn việc nhân dân muốn thể hiện lòng yêu nước của mình tại TP HCM và HN thì luật biểu tình còn chưa thông qua. Việt Nam có nhiều cơ sở pháp lý để giải quyết hài hoà.

Trong 5 năm vừa qua, Hội Luật gia thường xuyên phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế, tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế về biển Đông thu hút hàng chục nước tham gia.

14h30, ông Trục nhận định Việt Nam có khả năng thắng kiện Trung Quốc tại tòa án quốc tế.

Trả lời về khả năng thắng kiện và thời gian theo kiện Trung Quốc tại tòa án quốc tế? ông Trục cho biết, Việt Nam nên đưa vấn đề ra trọng tài quốc tế, cơ quan tài phán quốc tế chắc chắn sẽ thắng. Chúng ta có đầy đủ căn cứ pháp lý, đầy đủ cơ sở khởi kiện. Tất nhiên, khi chúng ta kiện lên toà có nhiều yếu tố không phải đơn thuần về pháp lý, chân lý, còn nhiều vấn đề khác như thái độ đương sự, uỷ viên tham gia và nhiều cuộc họp bên lề...

Chúng ta cần phải kiên trì, có thể nói với thế giới rằng Việt Nam có niềm tin với chân lý.

Trung Quốc hành động vào thời điểm quốc tế có nhiều vấn đề bất ổn. Các nước trong khu vực dù đã thống nhất rồi nhưng vẫn còn những chia rẽ. Đây là thái độ nham hiểm, tính toán Việt Nam cần phải chú ý.

Ông Trần Công Trục: "Thế mạnh chúng ta là pháp lý nên phải khai thác điều này". Ảnh: Thanh Tùng.
Ông Trần Công Trục: "Thế mạnh chúng ta là pháp lý nên phải khai thác điều này". Ảnh: Thanh Tùng.

14h15, Luật sư Trần Công Trục cho rằng không có việc Việt Nam phải rút tàu trước khi đàm phán.

Ông cho rằng khu vực đặt giàn khoan không dính dáng gì đến Trung Quốc, Việt Nam phải bảo vệ chủ quyền. "Không có việc Việt Nam phải rút tàu trước khi ngồi đàm phán. Chúng ta kiên trì, kiềm chế", ông nói.

Vị cựu Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho hay, vị trí giàn khoan cách đảo Lý Sơn khoảng 100 hải lý, cách ranh giới phía ngoài vùng đặc quyền kinh tế 80 hải lý. "Rõ ràng đây không phải là vùng chồng lấn, không liên quan gì đến Tây Sa (Hoàng Sa) mà Trung Quốc đã đánh chiếm trái phép".

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Thanh Tùng.
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Thanh Tùng.

Trả lời câu hỏi về xử sự của Việt Nam như thế nào khi Trung Quốc xâm phạm? Ông Trục nói, căn cứ Luật biển quốc tế năm 1982, với các quy định cho phép các quốc gia ven biển mở rộng vùng biển thì đây hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam. "Rõ ràng Trung Quốc vi phạm", ông nhấn mạnh.

Theo ông, đây là hậu quả của việc lợi dụng công ước biến những vùng không tranh chấp thành tranh chấp để đạt được âm mưu độc chiếm biển Đông. Trong công ước đã đề cập chế tài để các bên với tư cách thành viên đưa những vấn đề đó lên tài phán. Chúng ta hoàn toàn có thể làm việc đó. Philippines cũng đã đệ trình lên quốc tế và đạt được sự đồng tình ủng hộ của các nước.

"Việc Nam sẵn sàng áp dụng các biện pháp cần thiết. Đây là việc làm bình thường, đúng đắn, văn minh trong một xã hội hiện đại hiện nay", ông Trục nói.

Mở đầu buổi họp báo, ông Lê Minh Tâm, Phó chủ tịch Hội luật gia Việt Nam kiêm Tổng thư ký Hội đọc bản tuyên bố về việc ngày 2/5, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 cách bờ biển VN 130 hải lý, huy động một số lượng lớn tàu thuyền, tàu quân sự và tấn công tàu cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam bằng cách đâm, ép và dùng vòi rồng phun nước gây thiệt hại về tài sản, tính mạng của công dân Việt Nam.

Hội Luật gia khẳng định các việc làm trên bất chấp luật pháp quốc tế, đi ngược lại tuyên bố về ứng xử giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, gây bất ổn tại biển Đông.

Luật sư Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ tại buổi họp báo. Ảnh: Việt Dũng.
Luật sư Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ tại buổi họp báo. Ảnh: Việt Dũng.

Trước đó, trong cuộc họp báo quốc tế tại Hà Nội chiều 7/5, các quan chức Việt Nam đã công bố video cho thấy các tàu của Trung Quốc, với sự yểm trợ của máy bay, hung hăng ngăn cản tàu Việt Nam đang thi hành nhiệm vụ. Khi tàu Việt Nam ra ngăn cản việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, tàu Trung Quốc đã dùng vòi rồng tấn công các tàu kiểm ngư của Việt Nam, làm hư hỏng tàu và làm bị thương 6 kiểm ngư viên Việt Nam.

Theo ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban biên giới Quốc gia,Trung Quốc triển khai đến 80 tàu quanh giàn khoan, số lượng tàu đang tăng lên hàng ngày, gây căng thẳng trong khu vực. Trong số này có 7 tàu quân sự, 33 tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính, nhiều tàu cá và tàu phục vụ.

Tổng cộng có 8 tàu kiểm ngư của Việt Nam đã bị đâm, húc, đẩy hoặc phun vòi rồng áp lực lớn, có những lúc một tàu của Việt Nam bị 5 tàu Trung Quốc vây quanh.

"Lực lượng cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư của Việt Nam đã hết sức kiên trì và kiềm chế. Chúng tôi tiếp tục bám trụ và giải quyết mọi việc ở trên biển nhưng mọi sự chịu đựng đều có giới hạn. Nếu tiếp tục đâm vào chúng tôi thì chúng tôi sẽ có những hành động tự vệ tương tự để đáp lại", ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam nói.

Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu kiểm ngư Việt Nam, làm bị thương 6 kiểm ngư viên và hư hỏng tàu.
Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu kiểm ngư Việt Nam, làm bị thương 6 kiểm ngư viên và hư hỏng tàu.

Dù Việt Nam phản đối, đến tối 8/5 Trung Quốc vẫn duy trì các loại tàu và máy bay tại khu vực hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Không những vậy, các tàu Trung Quốc tiếp tục va quệt, kè ngăn chặn tàu của Cảnh sát biển Việt Nam làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền.

Trong ngày 8/5, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển phát hiện hai tàu tuần tiễu tấn công nhanh 753 và tàu hộ vệ tên lửa 534 của Trung Quốc hoạt động tại khu vực giàn khoan HD 981. Các tàu này thường xuyên cản trợ tàu CBS 8003 của Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện nhiệm vụ.

Trước đó trong cuộc điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì, phản đối việc giàn khoan HD-981, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp phù hợp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Nguồn VnExpress


Sự kiện