Không có Mỹ, TPP sẽ về đâu?
Thực tế ngay trong năm 2016 khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chưa có hiệu lực, các ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như thủy sản, dệt may da dày... đã gặp rất nhiều khó khăn. Lý do là nhu cầu thị trường sụt giảm và áp lực cạnh tranh từ các đối thủ mới như Campuchia, vốn được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế cho các quốc gia kém phát triển khi xuất khẩu vào EU và Mỹ. Viễn cảnh không có TPP vì thế sẽ là bài toán cạnh tranh khắc nghiệt cho doanh nghiệp trong nước trong những năm tới, khi các điều kiện ưu đãi về tiếp cận thị trường và thuế suất không trở thành sự thật.
Dự báo viễn cảnh không mấy sáng sủa đó, các thành viên này đã bắt đầu điều chỉnh chính sách nhằm cứu vãn được phần nào các thỏa thuận đạt được trong 10 năm ròng đàm phán. Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull mới đây tuyên bố nếu Mỹ rút lui khỏi TPP sẽ ảnh hưởng không chỉ đến Úc mà còn là các đồng minh của Mỹ như Nhật và Đức. Bởi sự tin tưởng mà các quốc gia khác đặt vào cường quốc như Mỹ sẽ suy giảm và có thể họ sẽ tham gia sâu hơn vào các tổ chức do các đối thủ với Mỹ dẫn dắt như Trung Quốc.
Thực tế, các thành viên TPP đã có ý định sẽ chuyển đổi những nội dung ký trong TPP thành các hiệp định thương mại song phương giữa các quốc gia. Tính khắt khe của một số điều khoản có thể giảm bớt. Tuy vậy, việc ký hàng loạt các thỏa thuận song phương là điều phức tạp và làm cho tính hiệu quả theo quy mô có thể sẽ suy giảm đáng kể, bởi mục tiêu trước đó mà các quốc gia hướng đến là tiếp cận sâu rộng hơn vào thị trường rộng lớn Mỹ (Mỹ chiếm đến 60% tổng quy mô của khối TPP).
Việc Mỹ chủ động rời khỏi vị trí lãnh đạo TPP sẽ để lại khoảng trống rất khó thay thế. Mới đây, một số chuyên gia cho rằng nước Nhật nên đứng lên để thay Mỹ trở thành lãnh đạo TPP. “Điều này sẽ giúp đảm bảo lợi ích của nước Nhật cũng như giúp duy trì chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu của mình”, bà Mireya Solis, chuyên gia kinh tế nghiên cứu chính sách Đông Á tại Viện Brookings, nhận định.
Vẫn chưa rõ Nhật có sẵn lòng thay thế Mỹ hay không bởi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe từng nói “TPP sẽ vô nghĩa khi không có Mỹ”. Hiện tại, Nhật đang nỗ lực ngoại giao nhằm thúc giục Tổng thống Donald Trump xem xét lại quan điểm về TPP. Thương mại quốc tế dù sao cũng mang lại sự thịnh vượng chung cho tất cả các quốc gia tham gia.
Rõ ràng TPP rất quan trọng đối với Việt Nam, vì hiệp định này sẽ giúp cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Mỹ dễ dàng hơn. Năm ngoái, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng 15% lên tới hơn 38 tỉ USD. Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, chiếm tỉ lệ 22%. Các sản phẩm dệt may và giày da chiếm 19% xuất khẩu của Việt Nam. Nếu được thực hiện, TPP sẽ xóa bỏ mức thuế 17% đối với hàng dệt may của Việt Nam nhập vào thị trường Mỹ, tạo lợi thế lớn cho xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Không có TPP, lợi thế này cũng sẽ không còn. Theo đánh giá của Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam, việc Mỹ rút ra khỏi TPP là một tin xấu đối với các công ty Mỹ và Việt Nam, đối với nhà đầu tư cũng như công nhân, nông dân và người tiêu dùng.
Lường trước những thách thức trên, điều lạc quan là Chính phủ Việt Nam đã có những bước đi chủ động trong việc đối phó với viễn cảnh không có TPP, như cải cách nền kinh tế theo hướng thân thiện hơn cho các nhà đầu tư, lên kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước có thương hiệu lớn như Sabeco, Mobifone để thu hút nhà đầu tư, cũng như có thể sẽ nâng trần sở hữu của nhà đầu tư ngoại trong hệ thống ngân hàng Việt lên cao hơn so với mức 30% như hiện nay.
Năm ngoái, mặc dù các ứng cử viên tổng thống Mỹ của cả hai phe Cộng hòa lẫn Dân chủ đều tuyên bố chống hiệp định TPP, Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút đầu tư FDI, với tổng mức đầu tư tăng 9%, đạt kỷ lục 15,8 tỉ USD. Trong đó, sản xuất và chế biến chiếm phần lớn, đứng đầu là hai dự án của Hàn Quốc, một của LG Display (1,5 tỉ USD) và một của LG Innotek (550 triệu USD). LG Display cho biết ảnh hưởng của việc Mỹ rút khỏi TPP sẽ rất hạn chế đối với các dự án của Công ty tại Việt Nam.
Tân Tổng thống Donald Trump dọa sẽ đánh thuế 45% vào hàng sản xuất ở Trung Quốc càng thúc đẩy các công ty ngoại quốc chuyển cơ sở sản xuất sang các nước khác, nhất là sang Việt Nam với lợi thế nhân công giá rẻ. Mặt khác, Việt Nam sẽ tìm kiếm các thị trường khác vì đã có những quan hệ thương mại và vẫn còn rất nhiều tiềm năng cho việc thúc đẩy trao đổi mậu dịch giữa các nước trong khu vực châu Á. TPP bị hủy bỏ thì sẽ có thể có những hiệp định song phương giữa Mỹ và các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Mặt khác, ông Steven Ciobo, Bộ trưởng Thương mại Úc cho biết Úc sẽ thúc đẩy TPP không có Mỹ trong cuộc họp với các thành viên tiềm năng tại Chile vào tháng tới.
“Khi thế giới đang đối mặt với một số sự kiện chính trị nổi bật như Anh rời khỏi EU hay kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, nhiều khả năng nền kinh tế toàn cầu sẽ có thêm những biến động lớn nữa từ nay đến năm 2050. Để thành công được trong sân chơi với nhiều biến động này, Việt Nam sẽ cần tăng trưởng dựa trên nền tảng là những nỗ lực tái cơ cấu kinh tế bền vững hơn, thể chế hoàn thiện hơn và một nền giáo dục - đào tạo chất lượng hơn để người lao động có thể đóng góp thực sự hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế trong dài hạn”, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam, nói. Theo Deutsche Bank, nhờ sự phục hồi của nông nghiệp, trong năm 2017, Việt Nam có thể sẽ tăng trưởng 6,4%, cao hơn mức 6,2% của năm 2016. Còn Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo mức tăng trưởng có thể là 6,3%.
Trong khi đó, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc KPMG tại Việt Nam và Campuchia, cho rằng các công ty Mỹ đã đạt được rất nhiều thành công ở Việt Nam mà không có hiệp định TPP và điều này sẽ được tiếp tục. KPMG dự báo có một vài sự thay thế nhập khẩu ở Việt Nam, với những sản phẩm từng là “Made in USA” nay có thể được chế tạo ở những khu công nghiệp đang rất phát triển ở Việt Nam.
“Bất luận trong hoàn cảnh nào, ông Trump cũng đã mở ra cánh cửa tiếp cận thị trường Mỹ cho doanh nghiệp Việt Nam qua chính sách đàm phán hiệp định thương mại song phương với các nước thành viên TPP, trong đó có Việt Nam”, ông Cleine nhận định.
Nam Việt