Thứ Năm | 08/05/2014 10:27

Không có chuyện phá giá tiền đồng

Nhiều ý kiến đề xuất nên điều chỉnh tỷ giá, song lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, không có chuyện phá giá tiền đồng.
Tiền đồng đang bị định giá cao?

Câu chuyện tỷ giá vốn đã im ắng một thời gian khá dài bỗng trở nên nóng trở lại tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân vừa qua, khi một số chuyên gia kinh tế lên tiếng kiến nghị NHNN nên điều chỉnh tỷ giá.

GS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, chính sách duy trì tỷ giá cơ bản ổn định trong thời gian dài khiến đồng nội tệ bị định giá cao, ít hỗ trợ sản xuất trong nước, không thúc đẩy xuất khẩu, mà lại khuyến khích nhập khẩu.

Đây cũng là một trong những lý do Việt Nam không thể phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, mà ngày càng lệ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu đầu vào.

Cụ thể hơn, PGS. TS.Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới cho rằng, theo tính toán của các chuyên gia, đồng Việt Nam đang bị định giá cao hơn từ 10% đến 25%.

“Thực tế, nhắm mắt cũng biết là tiền đồng cao giá. Khi cao giá như thế, càng hội nhập nhiều, càng hạ hàng rào thuế quan xuống, nguồn lực của đất nước ngày càng bị nước ngoài vào xâm chiếm”, ông Lược nói.

Chính vì nhận định tiền đồng đang bị định giá cao, nên nhóm chuyên gia trên đề nghị NHNN nên sớm điều chỉnh tỷ giá để tránh áp lực tích tụ trong những năm tới. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một luồng ý kiến khác lại cho rằng, không nên phá giá tiền đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ BIDV nhận định, không có chuyện tiền đồng bị định giá quá cao.

“Ngay cả nhóm chuyên gia của các ngân hàng nước ngoài, như Citibank… cũng cho rằng, đồng Việt Nam không bị định giá cao. Giới đầu cơ nước ngoài rất tinh, nếu cho rằng, tiền đồng bị định giá cao, họ sẽ đầu cơ ngay, đợi khi NHNN bán ra để kiếm lời. Song trên thực tế, họ không có hành động gì”, ông Lực nói.

Trên thị trường, từ đầu năm đến nay, nhiều lần, “cơn sốt” tỷ giá chực bùng lên khi giá bán USD liên tục tăng cao. Thế nhưng, theo phân tích của các chuyên gia, các cơn sóng ngoại tệ này bắt nguồn từ đầu cơ, chứ không phải từ nhu cầu thực tế. Và “âm mưu” làm giá tỷ giá của giới đầu cơ đã bị dập tắt, khi NHNN liên tục mua vào, bán ra ngoại tệ khá nhịp nhàng.

Áp lực điều chỉnh tỷ giá hiện không những không tăng, mà đang ngày càng giảm. Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, đầu năm nay, NHNN định hướng điều chỉnh tỷ giá 1-2% trong năm 2014.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, NHNN khẳng định, tỷ giá sẽ ổn định từ nay đến cuối năm, nếu có điều chỉnh thì cũng không quá 1%. Nền kinh tế đang xuất siêu, cộng với dự trữ ngoại hối lên tới 35 tỷ USD, NHNN hoàn toàn tự tin có thể ổn định thị trường, dập tắt mọi cơn sốt đầu cơ.

Để tỷ giá “trườn bò” là hợp lý

Hiện nhiều quốc gia trên thế giới, điển hình như Nhật Bản, Trung Quốc… đang giảm giá đồng nội tệ nhằm khuyến khích xuất khẩu, khi hàng rào thuế quan giảm mạnh.

Xét về mặt lý thuyết, khi phá giá tiền đồng, cán cân thương mại sẽ được cải thiện, xuất khẩu tăng, nhập khẩu giảm. Song đối với Việt Nam, lý thuyết này không hẳn đúng, bởi hầu hết các mặt hàng sản xuất trong nước và xuất khẩu (trừ một số hàng nông, lâm, thủy sản) đều phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu (90% tổng giá trị hàng nhập là nguyên, vật liệu sản xuất). Ngành công nghiệp hỗ trợ yếu kém khiến nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào còn tiếp tục gia tăng. Do đó, ngay cả khi điều chỉnh tỷ giá, việc giảm nhập khẩu sẽ không xảy ra.

Ông Lực cho rằng, không thể áp dụng lý thuyết, so sánh lạm phát của Việt Nam và Mỹ để lấy cơ sở điều chỉnh tỷ giá, bởi thực tiễn Việt Nam và Mỹ rất khác nhau.

“Theo nghiên cứu của chúng tôi, trong 7-8 năm qua, ở Việt Nam, việc điều chỉnh tỷ giá không tác động lớn tới xuất nhập khẩu. Bởi cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam đang có vấn đề (hàng xuất khẩu có tới 70% giá trị là nhập khẩu), nên dù có điều chỉnh tỷ giá, thì doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu. Thực tế, giai đoạn 2010- 2011, tỷ giá đã được điều chỉnh 10%, nhưng xuất khẩu không tăng, trong khi nhập khẩu tăng tới 30%”, ông Lực phân tích.

Đồng tình ý kiến trên, TS. Tạ Đình Xuyên, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, phá giá tiền đồng có lợi cho xuất khẩu nông sản và những ngành ít phải nhập khẩu nguyên liệu. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu nông, lâm sản trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước không lớn, trong khi đó, các ngành hàng xuất khẩu khác phải nhập nguyên liệu lại chiếm số đông.

Với phân tích ở trên, rõ ràng, điều chỉnh tỷ giá không có lợi cho xuất khẩu nói chung của cả nước, trong khi tác hại lại khá lớn, do một số nguyên nhân sau.

Thứ nhất, Việt Nam đang có tỷ lệ nợ nước ngoài khá lớn (42-43% GDP), việc điều chỉnh tỷ giá sẽ làm tăng gánh nặng quốc gia trong trả nợ nước ngoài.

Thứ hai, thời gian qua, Chính phủ đã hết sức nỗ lực trong việc thiết lập tâm lý ổn định tỷ giá, gây dựng niềm tin với tiền đồng. Nếu tỷ giá bị điều chỉnh “sốc”, lòng tin của người dân, nhà đầu tư sẽ sút giảm và rất khó lấy lại.

Thứ ba, hiện Chính phủ đang kêu gọi hạ lãi suất. Tuy nhiên, nếu phá giá đồng nội tệ, lãi suất sẽ phải điều chỉnh tăng lên để kiểm soát lạm phát.

Trên cơ sở phân tích lợi, hại, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, NHNN không nên điều chỉnh tỷ giá ngay lập tức 3-4%, mà giữ nguyên cách điều hành hiện tại, tức để tỷ giá tự “trườn bò” một cách từ từ theo tín hiệu thị trường.

“Điều chỉnh tỷ giá ngay lập tức sẽ khiến lạm phát tăng vọt, song để tỷ giá trườn bò một cách từ từ thì không có vấn đề gì”, ông Lực nhận định.

Nguồn Báo Đầu Tư


Sự kiện