Không có chuyện NHNN thanh tra Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai
Liên tục giảm sàn và xác lập mức giá thấp kỷ lục trong lịch sử kể từ khi chính thức niêm yết với 7.900 đồng/CP vào phiên giao dịch cuối cùng trong tuần trước, cổ phiếu HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã gây sốc cho cả thị trường và khiến các nhà đầu tư, các cổ đông vô cùng hoang mang.
Nguyên nhân xuất phát từ thông tin tập đoàn này đang bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thanh tra khi hình ảnh một công văn chụp đoạn dưới cùng được tung lên một diễn đàn mạng. Để làm rõ tính xác thực của thông tin này, Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn trực tiếp Phó thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh.
Cân đối nợ và tài sản không có vấn đề gì
Xin ông cho biết tính xác thực của công văn này?
Đúng là vừa qua cơ quan thanh tra giám sát thuộc NHNN có văn bản gửi các NH thương mại có quan hệ tín dụng với Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) với 4 nội dung. Thứ nhất là yêu cầu báo cáo chi tiết tình hình cho vay, chất lượng tín dụng, tài sản đảm bảo của Tập đoàn HAGL và các công ty con đến thời điểm 31.12.2015. Thứ hai, đánh giá toàn bộ tình hình sản xuất kinh doanh, trong đó đánh giá cụ thể các dự án đầu tư, đặc biệt là cao su (nếu có). Thứ ba là nêu các khó khăn trong quá trình cho vay, thu hồi nợ (nếu có) và cuối cùng là đề xuất các biện pháp cho vay, thu nợ.
Từ công văn này, thị trường đang đồn thổi Tập đoàn HAGL bị NHNN thanh tra...
Tôi khẳng định NHNN không thanh tra, kiểm tra gì HAGL hết. Thông tin này là hết sức tầm bậy. Việc này hoàn toàn là từ phía HAGL chủ động làm công văn gửi NHNN nêu những khó khăn trong việc thực hiện một số dự án kinh doanh và nghĩa vụ trả nợ vay đối với một số tổ chức tín dụng. Từ đó đề nghị NHNN xem xét, có chính sách hỗ trợ HAGL nói riêng và những ngành nghề nông nghiệp nói chung... Vì văn bản của HAGL chỉ nêu tình hình khó khăn chứ không nêu cụ thể nợ ở đâu nên chúng tôi mới làm văn bản yêu cầu các NH cung cấp số liệu cụ thể, căn cứ vào đó mới giải quyết được. Tôi khẳng định lại lần nữa, văn bản của NHNN xuất phát từ yêu cầu của HAGL. Tôi là người nhận văn bản của HAGL chứ không phải HAGL bị thua lỗ, bị mất tài sản hay nợ xấu mà NHNN phải thanh tra cả.
Theo ông, văn bản này rò rỉ từ đâu?
Chắc là từ các ngân hàng thương mại (NHTM) nhưng là đơn vị nào cụ thể thì chúng tôi không biết. Ở cương vị NHNN, chúng tôi trao đổi thế này là bình thường. Vì mình phải nắm được, biết được cụ thể thì mới xử lý được. Nhưng do động thái của mình không khéo dẫn tới những điều không hay cho doanh nghiệp. Trong việc này, chúng tôi cũng có trách nhiệm và chúng tôi phải xin lỗi doanh nghiệp vì HAGL là một công ty niêm yết, những thông tin này gây ảnh hưởng đến tập đoàn, các nhà đầu tư và cổ đông. Nhưng qua đây tôi nghĩ các nhà đầu tư cũng nên sàng lọc thông tin trước khi mua - bán cổ phiếu. Vì thị trường có rất nhiều nguồn tin, thậm chí người ta dùng các nguồn tin để “đánh nhau” nên chúng ta phải sàng lọc. Tôi lấy ví dụ cái công văn trên. Tại sao họ chỉ chụp một nửa dưới mà bỏ đi phần trên, phần có các căn cứ gửi văn bản..., rõ ràng là có gì đó không bình thường.
NHNN có nắm được các khoản nợ của HAGL không? Ông đánh giá thế nào về các khoản nợ của tập đoàn này?
Tất nhiên là chúng tôi biết. Chúng tôi có CIC (trung tâm thông tin tín dụng, có chức năng thu nhận, lưu trữ, phân tích, xử lý, dự báo thông tin tín dụng phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước của NHNN), chỉ cần nhìn qua đó là biết thôi. Nhưng chúng tôi muốn từ chính NH cho vay nói ra vấn đề này.
Về nợ của HAGL, tôi khẳng định cân đối nợ với tài sản của HAGL không có vấn đề gì. Các khoản đầu tư, vay nợ đều có tài sản thế chấp. Hơn nữa, trong cơ cấu nợ hiện tại của HAGL thì nợ trung - dài hạn khá lớn và đều là nợ nhóm 1 (nợ có đủ khả năng thu hồi đầy đủ cả gốc và lãi đúng thời hạn), không phải là nợ xấu. Cái này trên hệ thống đều có hết, không thể nói thêm, hay bớt đi được.
Có thể các bạn sẽ đặt câu hỏi, không có nợ xấu tại sao HAGL đặt vấn đề này. Tôi xin trả lời, họ chưa khó mà là sẽ khó. Hiện họ vẫn trả nợ bình thường nhưng vì tập đoàn này nhìn thấy trong tương lai sẽ khó khăn nên mới chủ động gửi văn bản báo trước để NHNN có hướng xử lý cho phù hợp. Tôi cho rằng đây là cách làm khôn ngoan.
Ông nghĩ sao về đề nghị của HAGL?
Tôi nghĩ HAGL làm việc này vì họ làm ăn thật, họ muốn mọi cái rõ ràng, minh bạch. Vàng thật sợ gì lửa. Có đi tới tận nơi (những dự án cao su, mía đường, cọ dầu, chăn nuôi bò... của tập đoàn) mới hiểu công sức và tâm huyết người ta bỏ ra thế nào. Tôi đánh giá đây là một doanh nghiệp chân chính, làm ăn đàng hoàng nhưng giá mủ cao su từ hơn 5.000 USD/tấn giảm xuống hơn 1.000 USD/tấn thì không ai chịu nổi hết. HAGL đầu tư vào cao su, mía đường khá lớn nên bị ảnh hưởng là điều đương nhiên. Đừng nghĩ rằng một doanh nghiệp khó khăn là xấu. Đó là chuyện bình thường của xã hội. Chúng tôi sợ nhất là khó không dám nói, khó còn giấu, còn tìm cách đảo nợ. Còn khó mà nói thật để tìm hướng giải quyết là rất tốt. Cũng như con người, có lúc khỏe mạnh, lúc ốm yếu. Khi ốm yếu thì cho uống thuốc bổ, bồi dưỡng ăn uống cho nó khỏe ra chứ không thể bỏ mặc.
Sẵn sàng hỗ trợ
Vậy quan điểm của NHNN thế nào trước đề nghị của HAGL?
Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ. Vì sao? Thứ nhất, đề nghị này hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế. Như tôi vừa nói, mấy năm nay VN nói riêng và toàn cầu nói chung bị tác động rất lớn vì tình hình kinh tế chính trị bất ổn của thế giới. Không chỉ doanh nghiệp mà nhiều quốc gia cũng lao đao vì giá dầu thô giảm kéo theo giá cao su, than đá và hàng loạt vấn đề khác. Ý tôi muốn nói đây là tác động của thị trường làm cho doanh nghiệp khó khăn chứ không phải do làm ăn bậy bạ gì. Hơn nữa, HAGL là doanh nghiệp kinh doanh lâu rồi, tiếng tăm và thương hiệu trên thị trường rất lớn. Bao nhiêu năm qua tập đoàn này đã đóng góp rất lớn cho ngân sách, tạo ra rất nhiều công ăn việc làm cho xã hội... Từ đầu tư trong nước, đã vươn ra nước ngoài, không chỉ đóng góp về kinh tế mà còn đóng góp về ngoại giao, về quốc phòng trong mối quan hệ giữa VN - Lào, Campuchia... Vì vậy, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Thứ hai, về chủ trương, Chính phủ cũng vẫn đang yêu cầu tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đầu tư vào nông nghiệp cũng là ngành nghề được ưu tiên. Thứ ba là tài sản có. Thứ tư là khoản vay của HAGL hiện đã là trung dài hạn rồi chứ không phải lấy ngắn hạn chuyển thành trung dài hạn. Tôi ví dụ, nợ trung dài hạn thì định kỳ năm nay trả nợ 1.000 tỉ đồng nhưng vì giá thấp quá, bán chưa được nên tiền thu về chưa đủ thì phải dời thời điểm trả cho hợp lý. Thứ năm, lĩnh vực đầu tư của HAGL cũng không có gì mạo hiểm. Cân đối tiền - hàng đảm bảo.
Tôi nói thẳng, có sợ mất mát là mấy năm trước chứ giờ thì cơ sở vật chất, dự án, tài sản, rừng cao su, rừng cọ dừa, mía đường, nhà máy... của họ đều đã có, đều đến lúc thu hoạch. Chỉ là giá khác nên phải tính toán lại. Sợ nhất là không có gì để trả chứ có sẵn đó thì không trả được trong 1 năm thì trả trong 2 năm. Chỉ là xử lý tài chính cho phù hợp là qua hết.
Ông có thể cho biết cụ thể các giải pháp mà NHNN có thể hỗ trợ HAGL?
Hỗ trợ ở đây là gia, giảm kỳ hạn cho hợp lý chứ không phải cho “ông” cái gì hết. Chúng tôi không thể làm thay các NHTM được nhưng quan điểm của NHNN là khó khăn với nhau thì phải cùng nhau mà đi. Chúng tôi sẽ yêu cầu các NHTM xem xét để cơ cấu nợ cho phù hợp với dòng tiền mới đồng thời điều chỉnh lại một số khoản lãi quá cao để có một chi phí hợp lý cho doanh nghiệp. Phải xử lý để cùng thắng chứ người ta khó mà vẫn “đè” ra thu cao là không được. Nói chung chúng tôi sẽ xem xét kỹ và xử lý cho hợp lý. Tất nhiên không để NH lỗ nhưng cũng phải chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Dự kiến khoảng bao giờ thì đề nghị này sẽ được giải quyết?
Cái này tùy thuộc vào thời gian các NHTM báo cáo, nhưng chậm nhất là qua tết (Tết Nguyên đán - NV) sẽ xử lý xong.
Nguồn Thanh niên