Không chấp nhận đóng tiền thay nghĩa vụ quân sự
Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), đa số đại biểu tán thành sự cần thiết của việc sửa đổi dự thảo luật và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Quốc phòng An ninh, góp phần động viên công dân tích cực tham gia nghĩa vụ quân sự, đảm bảo công bằng xã hội; cụ thể hoá điều 45 của Hiến pháp, công dân phải thực hiện nghĩa vụ công dân trong việc bảo vệ Tổ quốc.
Ưu tiên sắp xếp việc làm cho quân nhân sau khi hoàn thành nhiệm vụ
Đại biểu Lê Hiền Vân, đoàn Hà Nội đề nghị trong quá trình thực hiện cần có hướng dẫn cụ thể, đặc biệt là những chính sách mang tính định hướng như ưu tiên trong tuyển sinh, cộng điểm cho công chức viên chức và ưu tiên sắp xếp việc làm cho quân nhân sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài ra, Nhà nước cần tăng mức phụ cấp hàng tháng đối với các đối tượng này. Theo đại biểu Lê Hiền Vân, thanh niên nhập ngũ và tập trung huấn luyện cần được tính thời gian lao động công tác, hơn nữa đây lại là lĩnh vực lao động đặc biệt. Thực tế hiện nay, thực hiện kế hoạch hoá gia đình mỗi gia đình chỉ có 1 đến 2 con, khi vắng 1 người trong độ tuổi lao động kinh tế gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn vì vậy việc tăng phụ cấp cho hạ sỹ quan, binh sỹ tại ngũ và khi tập trung huấn luyện vừa phù hợp với tính chất lao động đặc biệt và khắc phục một phần khó khăn cho các gia đình quân nhân.
Đại biểu Lê Đắc Lâm, đoàn Bình Thuận đồng tình với quy định thời hạn phục vụ của hạ sỹ quan binh sỹ là 24 tháng như Dự thảo luật. Theo đại biểu Lê Đắc Lâm, quy định này sẽ có thêm thời gian huấn luyện học tập rèn luyện về mọi mặt để nâng cao ý thức chính trị, đạo đức bản lĩnh chiến đấu kỹ năng thao tác các loại vũ khí trang bị của quân nhân, đáp ứng tốt hơn yêu cầu trình độ nâng cao chiến đấu và phương thức tác chiến mới của quân đội nhằm đáp ứng quân đội ngày càng chính quy tinh nhuệ.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Tuyết, đoàn Bà Rịa Vũng Tàu, cần nghiên cứu để quy định Dự thảo luật theo hướng đảm bảo cho công dân bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong bảo vệ Tổ quốc. Nên cân nhắc nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự trong Dự thảo luật. Về việc quy định thời hạn thực hiện nghĩa vụ quân sự phục vụ tại ngũ là nội dung quan trọng cần có cơ sở chính trị xã hội, cơ sở khoa học thực tiễn. Đại biểu đề nghị giảm thời gian phục vụ tại ngũ xuống còn 12 tháng.
Không chấp nhận dùng tiền thay nghĩa vụ quân sự
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Trung tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh, bản chất của việc quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ trong Dự thảo luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) là để huy động đội ngũ trí thức phục vụ quân đội. Ở một số lĩnh vực ngành nghề, chuyên ngành quân đội chưa đào tạo được có thể tận dụng đội ngũ nhân lực đã được đào tạo ở các trường ngoài quân đội, sau đó bồi dưỡng dần số lượng này trở thành quân nhân chuyên nghiệp.
Về tình trạng “chạy chọt” để trốn tránh đi nghĩa vụ quân sự, Trung tướng Bế Xuân Trường thừa nhận có tình trạng này nhưng không nhiều vì thực tế trách nhiệm đã được quy cho người đứng đầu Hội đồng tuyển chọn nghĩa vụ quân sự. Quá trình khám tuyển chắc chắn sẽ loại bỏ được yếu tố này, nếu phát hiện gian lận, Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn sẽ bị kỷ luật nghiêm.
Trung tướng Bế Xuân Trường cũng nhấn mạnh ông phản đối quan điểm đóng một khoản tiền để thay thế việc đi nghĩa vụ quân sự. Trung tướng Bế Xuân Trường cho rằng đi nghĩa vụ quân sự không chỉ là trách nhiệm của công dân mà hơn cả là nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, trách nhiệm thiêng liêng của mỗi công dân. Không thể dùng tiền thay cho nghĩa vụ thiêng liêng cao cả đó được. Thay thế nghĩa vụ quân sự bằng đóng tiền là sai hoàn toàn về bản chất.
Trước đó, thảo luận ở tổ về Dự thảo luật này, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình là 25 hay 27. Nhiều ý kiến cho rằng chất lượng nguồn thanh niên nhập ngũ quá thấp không góp phần xây dựng được lực lượng quân đội mạnh; tình trạng “chạy chọt” trốn đi nghĩa vụ quân sự…
Nguồn VOV