Không cấp phép, dần loại bỏ các nhà máy giấy lạc hậu quy mô dưới 10.000 tấn/năm
Theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2020, có xét đến năm 2025 vừa được Bộ Công Thương phê duyệt, quan điểm là phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam theo hướng bền vững gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường; Áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm, tập trung xây dựng một số thương hiệu quốc gia với sản phẩm giấy và bột giấy để cạnh tranh hiệu qủa trong tiến trình hội nhập kinh tế; Huy động mọi nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế dưới mọi hình thức để đẩy mạnh sản xuất đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của xã hội.
Mục tiêu tổng quát là xây dựng các khu công nghiệp tập trung tại các tỉnh, thành phố có ngành công nghiệp phát triển, đồng thời quy hoạch lại các nhà máy đã có và các nhà máy xây dựng mới, tạo điều kiện xây dựng hệ thống xử lý chất thải tập trung với công suất lớn, công nghệ và thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, xây dựng các tập đoàn sản xuất đủ mạnh, có tiềm năng tài chính, nhà máy có công suất lớn và chất lượng sản phẩm cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, trong khu vực và thế giới, tăng khả năng xuất khẩu các sản phẩm của ngành giấy Việt Nam ra thị trường thế giới; xây dựng được vùng rừng nguyên liệu nhằm chủ động cung cấp đủ, ổn định nguồn nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất bột giấy theo quy hoạch phát triển ngành giấy,...
Quy hoạch cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 như: Đạt tỷ lệ thu hồi giấy các loại trong nước là 65%; Đáp ứng khoảng 75-80% nhu cầu tiêu dùng trong nước, giảm tỷ lệ nhập khẩu các sản phẩm giấy và bột giấy; Không cấp phép và dần loại bỏ các nhà máy giấy và bột giấy lạc hậu đang tồn tại với quy mô dưới 10.000 tấn/năm; Cơ bản đưa ngành công nghiệp giấy Việt Nam thành ngành công nghiệp theo hướng hiện đại...
Nguồn Thời báo ngân hàng