Thứ Ba | 09/09/2014 19:56

“Không cần ghi ngành nghề trong đăng ký doanh nghiệp”

Không cần ghi ngành, nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là quan điểm dứt khoát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là một trong các nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đang diễn ra tại Hà Nội.

Theo Luật Doanh nghiệp hiện hành, doanh nghiệp đăng ký ngành, nghề kinh doanh và sau đó, được quyền kinh doanh theo đúng ngành nghề đã đăng ký và được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Như vậy có nghĩa là doanh nghiệp chỉ được quyền tự do kinh doanh những ngành, nghề ghi trong giấy chứng nhận. Còn khi muốn bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh đăng ký thì ngoài việc phải thực hiện đăng ký kinh doanh với cơ quan quản lý có thẩm quyền trong lĩnh vực kinh doanh cụ thể, doanh nghiệp còn phải tiến hành thủ tục bổ sung, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Quy định này chỉ mang tính thủ tục hành chính, gây phiền hà không cần thiết cho doanh nghiệp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập luận.

Việc không ghi ngành, nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sẽ giảm đáng kể chi phí thực hiện thủ tục hành chính, nâng cao tính chủ động, linh hoạt cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, theo quy định của dự án luật, doanh nghiệp vẫn phải có nghĩa vụ kê khai, thông báo ngành, nghề kinh doanh với các cơ quan có thẩm quyền khi đăng ký kinh doanh hoặc khi bổ sung ngành, nghề kinh doanh để thực hiện nghĩa vụ của mình.

Thống nhất khái niệm doanh nghiệp nhà nước

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật cũng đã được chỉnh sửa theo hướng sử dụng thống nhất thuật ngữ doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ để phân biệt với doanh nghiệp chỉ có một phần vốn góp thuộc sở hữu do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu.

Trong dự án luật doanh nghiệp có một chương quy định về tổ chức quản lý, tổ chức lại và giải thể đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Còn doanh nghiệp có vốn khác của Nhà nước áp dụng quy định tại các chương, điều khác của Luật Doanh nghiệp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay.

Nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết cần quy định rõ ràng, chặt chẽ về cơ chế quản trị nội bộ của các doanh nghiệp nhà nước trong Luật Doanh nghiệp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết căn nguyên chính là từ thực tế một số doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoạt động yếu kém thời gian qua.

Cụ thể, chương về doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ quy định chi tiết về nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng thành viên và các thành viên của hội đồng thành viên, về chế độ làm việc, điều kiện và thể thức tiến hành họp hội đồng thành viên...

Đồng thời, dự thảo luật quy định, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ phải thực hiện công khai hóa thông tin một cách định kỳ và bất thường với mức độ công khai tương tự như công ty cổ phần niêm yết.

Vẫn quy định nhóm công ty

Có nên quy định về nhóm công ty trong dự thảo luật hay không là vấn đề còn có quan điểm khác nhau trong quá trình thảo luận.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trên thực tế ở Việt Nam đang tồn tại nhiều công ty hoạt động dưới mô hình liên kết nhóm công ty, trong đó một số nhóm công ty thực hiện phân công, phân cấp, phân quyền, quản trị... như một tổ chức thống nhất với hình thức và tên gọi là tập đoàn.

Để quản lý các mô hình liên kết như vậy, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý, điều hành và tổ chức lại, chấm dứt hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Do vậy, việc giữ một số quy định mang tính nguyên tắc về nhóm công ty trong dự án luật được cho là cần thiết. Nhằm góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nợ và cổ đông thiểu số, ngăn ngừa việc lạm dụng quan hệ chi phối, sở hữu chéo, minh bạch hóa và xác định rõ trách nhiệm pháp lý của các công ty trong nhóm công ty.

Nguồn VnEconomy


Sự kiện