Minh Đức Thứ Hai | 19/12/2022 07:30

Khơi thông vốn 2023

Bơm thêm vào nền kinh tế khoảng 200.000 tỉ đồng từ nay đến hết năm 2022 có giải được cơn khát vốn của doanh nghiệp?

Ngân hàng Nhà nước vừa gấp rút điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng (room) toàn hệ thống thêm 1,5-2%. Mức tăng thêm cộng với dư địa của hạn mức cũ, ước tính lượng tín dụng được bơm thêm lên tới 400.000 tỉ đồng. Động thái này được doanh nghiệp đón nhận tích cực, đặc biệt trong bối cảnh cả nền kinh tế đang khát vốn. “Có đến 75% doanh nghiệp đang thiếu vốn, cho nên đương nhiên họ rất phấn khởi trước thông tin nới hạn mức tín dụng. Tuy nhiên, để chính sách có hiệu quả, thiết thực hay không cần phải có thời gian”, Tiến sĩ Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đánh giá.

 

Dòng vốn này được chỉ đạo tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên, như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, cho rằng: “Dòng vốn sẽ đi vào sản xuất kinh doanh, trong đó có bất động sản sẽ tương đối nhanh, vì các hồ sơ chờ giải ngân đã có sẵn rồi. Không nên quá lo lắng dòng tiền từ việc nới room tín dụng sẽ đi vào đầu cơ hay quá rủi ro”.

Tuy nhiên, việc bơm vốn mạnh cũng không dễ khi số ngày còn lại của năm 2022 không còn nhiều và bài toán huy động vốn vào thời điểm cuối năm để đảm bảo nguồn cho vay với các ngân hàng là không dễ dàng. Thống kê cho thấy, tính đến cuối quý III/2022, 26 ngân hàng trên sàn chứng khoán có tổng lượng tiền huy động từ các tổ chức và cá nhân đạt hơn 7,718 triệu tỉ đồng, tăng 4,01% so với cuối năm 2021. Trong khi đó, các ngân hàng cho vay hơn 8,169 triệu tỉ đồng, tăng 12,4% so với cuối năm 2021.

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán SSI, tăng trưởng huy động thấp, tới tháng 10 mới đạt 4,8%, so với mức tăng trưởng tín dụng 11,5%. Nhiều ngân hàng gần đây tăng mạnh lãi suất huy động từ mức 5% hồi dịch lên ngưỡng 9-10%/năm. Xu hướng này cho thấy các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong hệ số an toàn vốn, buộc phải tăng mạnh lãi suất để tăng huy động trung và dài hạn.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết: “Dư nợ tín dụng gần tương đương với tổng huy động, trong khi tăng trưởng huy động chưa bằng một nửa tăng trưởng tín dụng. Do vậy, dù Ngân hàng Nhà nước có nới trần tín dụng, các ngân hàng thương mại cũng không đủ vốn để cho vay”.

Chưa kể, hầu hết các ngân hàng trên thị trường đã có tỉ lệ cho vay/huy động tại thị trường 1 vượt mức 90%, thậm chí không ít ngân hàng vượt 100%, nghĩa là số tiền ngân hàng cho vay đã vượt quá cả số vốn huy động. Vì vậy, để giải bài toán tắc nghẽn vốn trên thị trường không chỉ trông ngóng tín dụng. Tiến sĩ Cấn Văn Lực đưa ra khuyến nghị, Bộ Tài chính cần khơi thông mạnh mẽ kênh dẫn vốn từ trái phiếu doanh nghiệp, bởi đây là nguồn vốn trung - dài hạn quan trọng và cũng là để giúp doanh nghiệp thanh toán nợ đáo hạn.

 

Các bộ, ngành địa phương cũng cần đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế nhằm giảm áp lực nhu cầu vốn tín dụng ngân hàng. “Chính phủ cần chỉ đạo khoanh vùng, giải quyết nhanh, dứt điểm những vụ việc vi phạm trên thị trường vốn vừa qua, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, lấy lại niềm tin của thị trường, người dân và doanh nghiệp”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực đề nghị.

Nhìn về năm 2023 và dài hạn, cơ chế điều hành room tín dụng cần điều chỉnh cho linh hoạt để tránh việc giật cục gây khó cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, thay vì phân chia room tín dụng, Ngân hàng Nhà nước nên giao hẳn chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng ngay từ đầu năm để ngân hàng và doanh nghiệp chủ động kế hoạch kinh doanh. Hoặc Ngân hàng Nhà nước không nên bó cứng room tín dụng cho toàn ngành, mà chỉ nên quy định room ở một số nhóm ngành có tính đầu cơ cao, nhất là cho vay đầu tư chứng khoán. Riêng với tín dụng bất động sản, chỉ nên quy định trần với phân khúc có tính đầu cơ cao (như cho vay mua đất nền) và không nên bó room với phân khúc phục vụ nhà ở thật, nhà ở xã hội...

Nhiều dự báo cho thấy, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt trong giai đoạn 2023-2024 trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước vẫn còn nhiều biến động. Theo đó, báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại và đạt 11-12% trong năm 2023. Nguyên nhân là trong năm 2023 thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu chậm lại và lãi suất tăng. Thêm nữa, xuất khẩu, một trong những trụ cột tăng trưởng chính của Việt Nam, sẽ tăng trưởng chậm lại 9-10% trong năm 2023 (từ mức 14% năm 2022).