Thái Lan và Singapore đang có nhiều chính sách kích cầu tích cực để phục hồi du lịch. Ảnh: TL.

 
Hoàng Linh Lan Thứ Bảy | 30/04/2022 16:32

Khởi sắc du lịch Đông Nam Á

Nới lỏng chính sách nhập cảnh kết hợp nhiều biện pháp phục hồi, ngành du lịch tại Đông Nam Á được kỳ vọng sớm lấy lại vị thế như trước COVID-19.

Chính sách mở cửa khác nhau

Bắt đầu từ tháng 1/4/2022, biến chủng Omicron dần được kiểm soát, các quốc gia vốn là điểm đến ưa chuộng của khách du lịch bắt đầu nới lỏng chính sách nhập cảnh so với trước đó. Tuy nhiên, chính sách mở của tại mỗi quốc gia là khác nhau, do đó, du khách cần lưu ý tìm hiểu kỹ trước khi nhập cảnh.

Cụ thể, Singapore chuyển từ Hành lang du lịch cho người đã tiêm chủng (Vaccinated Travel Lane - VTL) sang Khung du lịch cho người đã tiêm chủng (Vaccinated Travel Framework - VTF). Thông qua hình thức du lịch miễn cách ly mới, du khách có thể bay đến Singapore mà không cần thực hiện xét nghiệm ngay khi nhập cảnh. Du khách cần đảm bảo chứng nhận tiêm chủng theo quy định, nộp tờ khai nhập cảnh (SG Arrival Card), Khai báo y tế điện tử, đồng thời có giấy xét nghiệm COVID-19 trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành. Chính phủ Singapore cũng khuyến nghị du khách mua bảo hiểm du lịch dù đây không phải là điều kiện bắt buộc để được chấp thuận nhập cảnh.

“Những biện pháp quản lý an toàn được đơn giản hóa nhằm mang đến cho du khách trải nghiệm du lịch suôn sẻ và thuận lợi hơn. Du khách có thể tìm thấy chứng nhận ‘SG Clean’ tại các cơ sở và doanh nghiệp địa phương đạt tiêu chuẩn cao về an toàn vệ sinh, cũng như sử dụng ứng dụng TraceTogether để thuận tiện cho việc theo dõi liên lạc nếu người dùng có kết quả dương tính với COVID-19” - ông John Gregory Conceicao - Giám đốc Điều hành khu vực Đông Nam Á, Tổng cục Du lịch Singapore (STB) nói.

Ông John Gregory Conceicao - Giám đốc Điều hành Khu vực Đông Nam Á, Tổng cục Du lịch  Singapore
Ông John Gregory Conceicao - Giám đốc Điều hành Khu vực Đông Nam Á, Tổng cục Du lịch Singapore

Philippines chỉ yêu cầu du khách đã tiêm chủng thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh trước khi đến. Trong khi đó, quy định nhập cảnh của Thái Lan có phần phức tạp hơn. Mặc dù đã miễn xét nghiệm RT-PCR COVID, nhưng du khách khi đến Thái cần đặt chỗ, trình diện tại khách sạn được phê duyệt chuẩn SHA+ (Amazing Thailand Safety & Health Administration: Plus), AQ, OQ hoặc AHQ và xác nhận thanh toán dịch vụ AQ/SHA+ (bao gồm dịch vụ xét nghiệm PCR vào ngày 1 và 1 kit tự xét nghiệm nhanh vào ngày 5, dịch vụ đưa đón giữa sân bay và khách sạn). Các khách sạn theo tiêu chuẩn này đã được ký kết với các bệnh viện tại Thái để kiểm tra PCR và hỗ trợ điều trị cho du khách nếu nhiễm COVID. Du khách cần chờ 5-6 tiếng để nhận kết quả xét nghiệm. Bên cạnh đó, Bảo hiểm y tế với mức chi trả tối thiểu 20.000USD và đăng ký thẻ thông hành Thái Lan (Thailand pass) trên https://tp.consular.go.th/ lấy mã QR là điều bắt buộc.

Các nước cũng phát triển các quy trình y tế dành cho du khách với nhiều cách thức ứng phó khác nhau tùy thuộc vào tuổi tác, tình trạng tiêm chủng, tình trạng y tế… nếu không may nhiễm COVID. Tại Singapore, khi du khách nhận được Cảnh báo nguy cơ sức khỏe (Health Risk Notice - HRN), du khách cần ngay lập tức thực hiện quá trình cách ly tại khách sạn hoặc nơi lưu trú và làm theo các hướng dẫn được gửi đến thông qua tin nhắn SMS. Tại Thái Lan, du khách cần thông báo cho nhân viên khách sạn để phối hợp kiểm tra hoặc xét nghiệm khẳng định. Nếu nhiễm COVID sẽ được điều trị và cách ly trong bệnh viện có hợp đồng với khách sạn.

2022: Năm của lạc quan và hy vọng

Bên cạnh việc nới lỏng chính sách nhập cảnh, các quốc gia Đông Nam Á tung ra nhiều chương trình, lễ hội du lịch tầm quốc gia nhằm thu hút du khách và đón đầu các xu hướng mới nảy sinh từ đại dịch. Trong đó, đáng chú ý nhất là Thái Lan và Singapore.

Hướng tới định hướng du lịch mới “Amazing Thailand New Chapter”, với chính sách kích cầu từ chính phủ và sự chung tay của các doanh nghiệp, bên cạnh các gói hỗ trợ như tín dụng bổ sung hỗ trợ thanh khoản, gồm cả việc trì hoãn trả nợ cũng như xây dựng các chiên lược để thúc đẩy du lịch bền vững, chính phủ Thái còn xác định các phân ngành có tiềm năng thúc đẩy cụ thể như: Du lịch kết hợp y tế và sức khỏe, Du lịch xanh, phân cấp cho các địa phương; Phát triển hệ thống thông tin và kỹ thuật số nhằm quản lý dữ liệu từng vùng du lịch, tạo sự liên kết ngành…

Sau khi nới lỏng các biện pháp nhập cảnh, lượng khách du lịch tăng theo cấp số nhân. Bà Ratiwan Boonprakhong - Giám đốc Tổng cục Du lịch Thái Lan tại Việt Nam, văn phòng HCM chia sẻ mục tiêu phục hồi: “Trong năm 2022, chúng tôi đặt mục tiêu đón 10 triệu lượt khách du lịch nước ngoài, đạt 50% doanh thu du lịch của năm 2019 với doanh thu từ du lịch lên đến 3 nghìn tỷ baht, chiếm 20% GDP của cả nước, với hơn 40 triệu khách nước ngoài, tức khoảng 1,5 nghìn tỷ baht. Trong năm 2023, Thái Lan dự kiến đón trên 20 triệu lượt khách, đạt 80% doanh thu của năm 2019, tức khoảng 2,4 nghìn tỷ baht. Dự kiến năm 2024, ngành du lịch Thái Lan phục hồi trở lại hoặc tốt hơn so với thời kỳ trước cuộc khủng hoảng Covid-19”.

Bà Ratiwan Boonprakhong - Giám đốc Tổng cục Du lịch Thái Lan tại Việt Nam, văn phòng HCM
Bà Ratiwan Boonprakhong - Giám đốc Tổng cục Du lịch Thái Lan tại Việt Nam, văn phòng HCM

Mặc dù không nằm trong top 10 quốc gia có khách du lịch đến Thái nhiều nhất nhưng Tổng Cục du lịch Thái Lan tại Việt Nam kỳ vọng, trong năm 2022, lượng khách Việt Nam đến Thái sẽ đạt mức 55 nghìn người, tăng 3.065% so với mức tăng trưởng âm 98,65% của năm 2021.

Thống kê của Tổng cục du lịch Singapore cho thấy, từ 1/9/2021 đến 15/3/2022, Singapore đã thiết lập VTL với hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 210.000 Thẻ thông hành vắc-xin (VTP) được cấp cho du khách ngắn hạn thông qua chương trình VTL. Lượng khách quốc tế nhập cảnh (International Visitor Arrival - IVA) vào Singapore tăng từ 15.000 khách trong tháng 8/2021 lên hơn 67.000 khách trong tháng 2/2022. Số lượng IVA trong hai tháng đầu tiên của năm 2022 cũng rất khả quan. Có khoảng 57.000 du khách nhập cảnh trong tháng 1/2022, tăng 144% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tỷ lệ này trong của tháng 2 là 273% với 67.760 du khách.

Trong suốt thời gian ngành du lịch toàn cầu đóng băng, Singapore giới thiệu SingapoReimagine, chuẩn bị sẵn sàng cho làn sóng du lịch kế tiếp. Sau khi áp dụng VTF, Singapore tung hàng loạt chính sách kích cầu. Chẳng hạn giới thiệu các điểm tham quan mới đến du khách gồm: triển lãm mang chủ đề Avatar tại Gardens by the Bay, Khu bảo tồn thiên nhiên Mandai, giới thiệu những ý tưởng ẩm thực mới lạ, các nhà hàng và quán bar được ưa chuộng, những khu phố độc đáo hay trải nghiệm mua sắm “Made with Passion”… Đặc biệt, chính phủ Sing kết hợp với nhiều người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng tại Việt Nam như Quang Đại, Đoan Trang… nhằm quảng bá du lịch tại quốc gia này. Đây cũng là năm đầu tiên Singapore tổ chức Wellness Festival Singapore (Ngày hội Sống khỏe toàn diện) kéo dài từ ngày 3-12/6 với nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe tại nhiều địa điểm khác nhau cho người bản địa và du khách. Giải đua xe công thức 1 Formula One  Singapore Grand Prix cũng sẽ trở lại trong năm nay.

“Các chỉ số của ngành du lịch lữ hành cần khá nhiều thời gian mới có thể đạt mức tăng trưởng như trước khi dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, với VTF và các dịch vụ, trải nghiệm mới tại Singapore, chúng tôi tin 2022 sẽ là năm phục hồi cho ngành. Du khách Việt sẽ tăng trở lại trong thời gian tới khi nhiều doanh nghiệp đang cân nhắc tổ chức các chuyến du lịch khen thưởng cho nhân viên tại Singapore trong dịp lễ 30/4 và hè này” - ông Conceicao cho biết.

Dù mở cửa chậm và phục hồi kém hơn so với thị trường châu Âu nhưng với những chính sách kích cầu quy mô và bài bản như trên, châu Á, đặc biệt là thị trường du lịch Đông Nam Á dự kiến sớm khởi sắc. Theo Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới, ngành du lịch và lữ hành ở Đông Nam Á đã góp 380,6 tỉ USD vào GDP khu vực trong năm 2019. ForwardKeys dự báo, 1/3 du khách đến Đông Nam Á trong 2022 châu Âu, tăng 22% so với 2019, du khách Bắc Mỹ cũng tăng hơn gấp đôi, lên 21% so với 9% của năm 2019.

Kể từ khi mở cửa đường bay và nới lỏng chính sách nhập cảnh từ 15/3/2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3 đạt 41,7 nghìn lượt người, tăng 41,4% so với tháng trước và gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước nhờ khôi phục đường bay quốc tế. Tuy được Travel Off Path đánh giá là quốc gia có chính sách nhập cảnh dễ dàng nhất khu vực Đông Nam Á, bởi du khách không cần xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine hay giấy chứng nhận khỏi bệnh, cũng như không cách ly nhưng chính phủ Việt Nam cần có những hoạch định kích cầu cụ thể hơn ở tầm vĩ mô nếu muốn thúc đẩy ngành công nghiệp không khói này nhanh chóng phục hồi.