Khởi nguồn của cơn sốt giá than đến từ đâu? Ảnh: CNBC.

 
Minh Đức Thứ Tư | 13/10/2021 08:36

Khởi nguồn của cơn sốt giá than

Trên thực tế, cơn sốt giá than không đến từ vấn đề thiếu hụt nguồn cung than.

Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) năm 2020, thế giới sản xuất 7,9 tỉ tấn than và chỉ tiêu thụ 7,2 tỉ tấn, và trong 9 tháng đầu năm 2021, thế giới sản xuất khoảng 6,2 tỉ tấn trong khi chỉ tiêu thụ 5,8 tỉ tấn. Do đó, Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu Tư SSI Research cho rằng cơn sốt giá than phần lớn đến từ ba yếu tố.

Thứ nhất, căng thẳng giữa Trung Quốc và Úc cùng các lệnh hạn chế nhập khẩu làm gián đoạn thị trường thương mại than. Năm 2020, sản lượng than giao dịch giữa các nước là 1,5 tỉ tấn than (21% nhu cầu tiêu thụ toàn cầu). Nhu cầu than nhập khẩu thường xuyên chiếm tỉ lệ lớn trong tiêu thụ toàn cầu, do đó, giá than tại nhiều nước sản xuất than lớn như Trung Quốc, Indonesia, Úc đặt giá xuất khẩu tại các cảng làm giá tham khảo cho thị trường nội địa.

 

Tháng 6/2020, Trung Quốc thực hiện lệnh cấm nhập khẩu than Úc (than Úc chiếm tới 62% giá trị nhập khẩu than của Trung Quốc năm 2019) tại tất cả các cảng khiến sản lượng nhập khẩu than từ Úc giảm gần về mức 0 kể từ tháng 10/2020, và giá than tại các cảng lớn như Đại Liên, Tần Hoàng Đảo tăng mạnh, ảnh hưởng tới giá tham chiếu ở thị trường nội địa. Bên cạnh đó, lệnh cấm nhập khẩu than Úc cũng khiến nhu cầu và giá than tại những đối tác còn lại của Trung Quốc như Indonesia, Nga, Mông Cổ cũng tăng đột biến, dẫn tới cơn sốt giá than trên diện rộng.

Thứ hai, nguồn cung than và các nhiên liệu đốt khác hồi phục chậm do dịch COVID-19. Hoạt động khai thác than tại các nước bị ảnh hưởng đáng kể trong thời điểm dịch bệnh bùng phát. Bởi vì hoạt động khai thác cần sử dụng một lượng lớn lao động trong môi trường chật hẹp, dẫn tới việc nhiều nước như Úc, Ấn Độ, Indonesia, Nga phải tạm dừng khai thác ở các mỏ trong khoảng 2 – 3 tháng trong năm 2021 để giãn cách xã hội.

 

Đồng thời, SSI Research còn cho biết việc xuất khẩu than cũng trở nên khó khăn khi giá cước vận tải tăng vọt và thiếu nhân lực để vận chuyển than đến cảng, các chuyến tàu chở than thường bị trễ lịch 3 – 4 tuần so với lịch trình và những đơn vị ở Úc và Trung Quốc buộc phải tìm cách trao đổi than qua nước thứ ba như Ấn Độ, Indonesia, Nga.

Ngoài ra, các nhiên liệu đốt khác như khí đốt, dầu mỏ cũng gặp tình trạng gián đoạn tương tự, dẫn tới hiện tượng một số doanh nghiệp bắt đầu tích trữ quá mức than và các nhiên liệu đốt, khiến giá và nhu cầu bị thổi phồng quá mức. Từ giữa năm 2021, nhận thấy có nhiều doanh nghiệp tích trữ quá mức than so với nhu cầu thực tế, chính phủ Trung Quốc đã liên tục kiểm tra đột xuất tại các cảng nhập khẩu than lớn để hạn chế tình hình này.

Thứ ba, Trung Quốc tiếp tục thắt chặt kiểm soát ô nhiễm ngành than. Trong năm 2020 và 2021, Trung Quốc tái khởi động các chính sách cắt giảm công suất than bằng cách hợp nhất nhiều mỏ than và cắt giảm những mỏ than nhỏ có công suất dưới 600 nghìn tấn/năm ở tất cả các tỉnh.

Mặc dù phần công suất cắt giảm tương đối nhỏ so với Trung Quốc, nhưng vì nước này chiếm tới gần 50% thị phần sản xuất than thế giới, nên ảnh hưởng lớn tới nhu cầu và giá than tại những nước còn lại. Tuy nhiên, hiện tại chỉnh phủ Trung Quốc đã tạm dừng thắt chặt công suất để ưu tiên hạ nhiệt giá than trong nước.

Có thể bạn quan tâm 

"Vàng đen" mới tại Nigeria

Đoạn tuyệt điện than