Khối ngoại có dấu hiệu rút vốn ra khỏi thị trường trái phiếu
Tổng giá trị giao dịch đạt gần 7.097 tỷ đồng, giảm 34% so với giao dịch của tuần trước. Các giao dịch mua bán tập trung ở kỳ hạn dưới 3 năm do mặt bằng lãi suất của các kỳ hạn này đã ở mức thấp (chiếm hơn 85% tổng giá trị giao dịch). Còn lại là các trái phiếu kỳ hạn 3 - 5 năm (chiếm hơn 10%) và TP kỳ hạn 5 - 10 năm (chiếm hơn 4%).
Giao dịch của khối ngoại chiếm hơn 18% tổng giá trị giao dịch, giảm nhẹ so với tuần trước. Các nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng bán ròng trong những tuần gần đây. Theo thống kê của HNX, các nhà đầu tư ngoại giảm lượng nắm giữ trái phiếu bằng VND xuống còn 220 triệu USD, 80% trong số này có kỳ hạn dưới 3 năm, tổng lượng nắm giữ của khối này trước đó vào khoảng 500 triệu USD.
Theo báo cáo của BVSC, chỉ số CDS 5 năm (tín hiệu rủi ro tín nhiệm của một quốc gia ) vào cuối tháng 6/2013 cũng cho thấy rủi ro của thị trường trái phiếu tại Việt Nam tăng đột biến hoàn toàn phù hợp với tâm lý rút khỏi thị trường trái phiếu của nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đó, động thái này cũng ít nhiều ảnh hưởng lên cầu ngoại tệ khiến tỷ giá USD và VND những ngày gần đây đang được đẩy lên kịch trần.
Báo cáo cũng cho biết, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm trong phiên giao dịch ngày 5/7 tăng 35 điểm so với phiên đầu tuần ngày 1/7, lên 7,05%/năm; lợi suất trái phiếu kỳ hạn 3 năm tăng 40 điểm cơ bản, lên 7,04%/năm và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm tăng 30 điểm cơ bản, lên 8,1%/năm.
Như vậy, lợi suất trái phiếu Chính phủ bật tăng trở lại sau thời gian dài sụt giàm mạnh. Tuy nhiên, BVSC cho rằng sự đảo chiều nảy chỉ mang tính tạm thời do lợi suất trái phiếu Chính phủ biến động cùng chiều với lãi suất, mặt bằng lãi suất giảm nhanh và mạnh khiến giá trái phiếu tăng, do vậy lợi suất trái phiếu sụt giảm, khả năng sinh lời không còn với những trái phiếu mới phát hành khiến ngân hàng trong nước thờ ơ dù dư thừa thanh khoản.
Nguồn Dân Việt