Thứ Ba | 08/11/2016 08:00

Khởi Nghiệp – Không phải điệu nhảy trên hoa hồng

Nếu khởi nghiệp thực sự dễ dàng với con đường trải thảm hoa và công thức có sẵn, thì tại sao lại có con số 98% dự án khởi nghiệp thất bại?

Liên tục chúng ta đọc được báo cáo dòng vốn hàng ngàn tỉ đang đổ vào thị trường khởi nghiệp của Việt Nam. Và cũng thường xuyên truyền thông đưa tin về những dự án khởi nghiệp thành công như The Kafe, Tiki.vn, Foody.vn, và nhiều hơn nữa. Nếu khởi nghiệp thực sự dễ dàng với con đường trải thảm hoa và công thức có sẵn, thì tại sao lại có con số 98% dự án khởi nghiệp thất bại? Sự thật thì khởi nghiệp không dễ dàng, rất nhiều dự án khởi nghiệp chỉ có start mà chưa bao giờ tới được giai đoạn “up” và “running”.

Khoi Nghiep – Khong phai dieu nhay tren hoa hong
Các chuyên gia trong buổi offline (từ trái qua phải): bà Hương Hoàng chuyên gia truyền thông, ông Lucien Bolliger chuyên gia thương hiệu từ Soyon Việt Nam, ông Nguyễn Hồ Nam chuyên gia tài chính từ Bamboo Capital, ông Nguyễn Văn Thắng chuyên gia tín dụng từ HD Bank, bà Selena Le chuyên gia tư vấn doanh nghiệp trẻ

Ý tưởng độc đáo và trái tim nóng bỏng đam mê chưa bao giờ là đủ cho các dự án khởi nghiệp. Để thành công các dự án khởi nghiệp cần được xây dựng trên một chiến lược, kế hoạch chi tiết và cần được triển khai cẩn trọng để bền vững phát triển. Hơn 90% người sáng lập của dự án khởi nghiệp chỉ quan tâm đến phần gọi vốn để triển khai mà quên mất nhà đầu tư dù mạo hiểm cũng đòi hỏi hệ số an toàn và thành công nhất định của dự án. Và quy luật hệ số rủi ro tỉ lệ thuận với hệ số thành công luôn được áp dụng; nghĩa là nhà đầu tư đòi hỏi người sáng lập phải chứng minh được hệ số thành công của dự án rất cao, vì khởi nghiệp là mạo hiểm. Nói theo cách khác nhà đầu tư cần người sáng lập có đầu tư nghiên cứu khách hàng, thị trường, đối thủ, thách thức, cơ hội và có chiến lược kinh doanh, marketing, tài chính, thương hiệu, nhân sự và phát triển mạch lạc.

Phần lớn người sáng lập luôn thấy rằng đầu tư cho chiến lược thương hiệu ở giai đoạn khởi nghiệp là lãng phí và không cần thiết. Đây là sai lầm cơ bản. Theo như ông Lucien Bolliger, chuyên gia chiến lược cũng là nhà sáng lập của nhiều dự án khởi nghiệp ở Australia, “đầu tư cho thương hiệu không đơn giản chỉ là logo và bộ nhận diện thương hiệu bắt mắt như nhiều nhà sáng lập vẫn nghĩ. Chiến lược thương hiệu xuất phát từ sản phẩm, thị trường, và tầm nhìn người sáng lập nên là bước sàng lọc cơ bản để một kế hoạch kinh doanh thành công; và kế hoạch khởi nghiệp cũng không ngoại lệ”. Người sử dụng luôn có những cảm nhận nhất định về một sản phẩm hay dịch vụ khi được đưa ra thị trường từ ngày đầu tiên. Nên hoặc người sáng lập điêu khắc cảm nhận đó cho người dùng hoặc để tình thế quyết định. “Tôi khẳng định người sáng lập buộc phải là người định hướng cảm nhận đó của người dùng và luôn duy trì cảm nhận đó. Đấy chính là bước đầu của chiến lược thương hiệu và duy trì thương hiệu. Thương hiệu luôn phải kết nối được sản phẩm và người dùng, bạn luôn cần phải thực tế,” trích lời ông Lucien Bolliger.

Đã có một số thương hiệu khởi nghiệp, có bước đầu tạm thành công nhưng vẫn bị thất bại vì đánh giá sai thị trường cho sản phẩm của mình. Nhớ trước đây có thương hiệu VietMac với ý tưởng táo bạo cơm kẹp. Ý tưởng quả là không tệ khi biến bữa ăn hàng ngày mà khi ăn phải buộc ngồi xuống, dọn mâm, bát thành bữa ăn “on-the-go”; nên thương hiệu này đã nổi đình đám một thời gian. Nhưng đã hoàn toàn biến mất trên thị trường từ năm 2013. Lí do thất bại đầu tiên đó là VietMac đã không thực sự hiểu khách hàng của mình. Với người Việt cơm là món ăn truyền thống, và từ ngàn năm nay bữa cơm đơn giản nhất cũng là đóng hộp trong đó ít nhất phải có 1 món mặn và 1 món canh. Đây là thói quen tiêu dùng gần như không thể thay đổi. Người Việt không thể quen được với món cơm được ép thành hai miếng như miếng bánh mì burger, rồi sau đó kẹp thịt, rau ở giữa. Điều thứ hai nhận diện của thương hiệu này hoàn toàn không kết nối được sản phẩm với người sử dụng. Sử dụng hình ảnh chim cánh cụt mang ý nghĩa vui nhộn và trẻ trung. Thêm nữa chim cánh cụt đến từ môi trường trong lành nên thương hiệu gửi gắm thông điệp sản phẩm rất tươi ngon và lành mạnh. Nên mới có câu slogan “Sống nhanh, ăn lành.” Nhưng chim cánh cụt hoàn toàn không thể kết nối được với sản phẩm cơm, chưa kể hình ảnh chim cánh cụt hoàn toàn không gần gũi với người Việt. Sự kết nối của thương hiệu, sản phẩm, và người dùng đã gẫy đổ từ bước khởi phát, vậy nên sự biến mất gần như là điều tất yếu.

Vậy nên nếu người khởi nghiệp không có ý tưởng độc đáo, và không phải thiên tài như Steve Jobs, Mark Zuckerberg, Bill Gates hay Elon Musk thì dự án khởi nghiệp cần phải có những kế hoạch chi tiết được đánh giá cẩn thận. Hay “thậm chí trải nghiệm thực tế là điều vô cùng quan trọng cho người khởi nghiệp. Có thể bạn cần phải đi làm thuê 5 hay 10 năm kinh qua nhiều vị trí để có được kinh nghiệm quản lý, sáng tạo, lãnh đạo, và tiếp cận thị trường. Rồi hãy khởi nghiệp”, trích lời ông Nguyễn Văn Thắng – chuyên gia tín dụng đến từ HD Bank.

Để hỗ trợ kiến thức cho người trẻ khởi nghiệp, công ty Soyon Việt Nam, Buzzword Communications, và Global Lifestyle and Business Network đã tổ chức buổi offline ngày 29/10 với sự tham gia của các chuyên gia đến từ quỹ đầu tư, ngân hàng, thương hiệu để chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn tới cộng đồng khởi nghiệp trẻ. Chương trình offline của chúng tôi được tổ chức 1lần/tháng với nhiều chủ đề khác nhau để hỗ trợ cho khởi nghiệp và doanh nghiệp trẻ Việt Nam.