Khởi nghiệp: "Buôn có bạn, bán có phường”
Khi chương trình Shark Tank thu hút người xem truyền hình, Hồng Ngọc kỳ vọng mình cũng sẽ tìm được một nhà đầu tư cá mập cho dự án nước rửa chén organic của mình. Có bằng tiến sĩ hóa từ Pháp, Ngọc trở về nước giảng dạy cho một trường đại học, nhưng cô vẫn ấp ủ dự án khởi nghiệp riêng. Thế nhưng, khởi nghiệp không hề dễ dàng cho một người thuần nghiên cứu như Ngọc khi cô phải lo vốn, lo tiếp thị, lo phân phối...
Cần nhiều cánh én
Có lẽ có rất nhiều bạn trẻ như Hồng Ngọc muốn khởi nghiệp khi nhà nhà đều đang nói về startup. Thực tế, thống kê cho thấy, Việt Nam có khoảng 1.000 dự án khởi nghiệp về công nghệ mỗi năm, trong đó bao gồm cả doanh nghiệp khởi nghiệp quy mô vừa và nhỏ (SME) và các mô hình khởi nghiệp (startup).
Thế nhưng, dù có nhiều người khát khao đến vậy nhưng giới startup tại Việt Nam vẫn có quy mô rất nhỏ. Tuy được đánh giá là thuộc top trong khu vực Đông Nam Á nhưng nguồn vốn rót vào các startup Việt Nam vẫn còn khá thấp nếu so với một vài quốc gia khác trong khu vực. Chẳng hạn, Tech in Asia cho thấy nguồn vốn rót cho các startup Việt Nam ít hơn tới 28 lần so với tại Indonesia.
Theo ghi nhận từ các bộ phận hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp Ban Điều hành hệ sinh thái khởi nghiệp ICT TP.HCM, vẫn có đến 80% startup không thể tồn tại quá 2 năm hay chỉ có 3% doanh nghiệp đạt tới thành công thực tế. Về vấn đề này, Thạc sĩ Đoàn Kim Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ, Thành đoàn TP.HCM đề xuất, cần có một cơ chế tài chính phù hợp theo kiểu đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ những dự án này.
Ban Điều hành hệ sinh thái khởi nghiệp ICT TP.HCM cho biết hiện nay, Thành phố có khoảng 30 cơ sở ươm tạo và 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh khởi nghiệp. Số lượng hoạt động của các nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam bắt đầu có xu hướng tăng. Đây là một tín hiệu tốt để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam.
Vai trò của doanh nghiệp lớn
Nhưng vẫn cần nhiều cánh én hơn nữa để tạo nên mùa xuân khởi nghiệp tại Việt Nam. Đặc biệt, theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Điều hành Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ SIHUB, vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp lớn vào hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo động lực cho hoạt động khởi nghiệp chưa thể hiện rõ. Tại những quốc gia như Hàn Quốc, Đức... doanh nghiệp lớn đều coi trọng khoa học và công nghệ và họ sẵn sàng đặt hàng startup đưa ra các giải pháp sáng tạo.
“Còn tại Việt Nam, doanh nghiệp khi đầu tư vào startup còn chưa quan tâm đến yếu tố công nghệ đằng sau sản phẩm mà chỉ so sánh với sản phẩm hiện có trên thị trường. Yếu tố công nghệ không được coi trọng”, ông Tước nhận định. Nói cách khác, startup ở Việt Nam thực sự là mạo hiểm. Vì thế, khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn mang tính phong trào hơn là một lĩnh vực kinh doanh chủ lực.
Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng Thư ký Hội Tin học TP.HCM (HCA), tính đến tháng 4.2017, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đạt 18.000 đơn vị. Nhưng như một nguyên nhân lớn dẫn đến thất bại của phần lớn startup, đa số doanh nghiệp khởi nghiệp đang thiếu người dẫn đường, thiếu kinh nghiệm truyền đạt từ những người đi trước; đồng thời nhiều startup thiếu nguồn vốn “tiếp sức” trong giai đoạn tăng tốc, đưa sản phẩm ra thị trường...
Với quá nhiều rào cản và cả rủi ro, không ai có thể trách các startup của Việt Nam “bất tài”. Vấn đề là có quá ít người tài để giúp thế hệ đàn em khởi nghiệp thành công. Theo Douglas Jackson, Trưởng Ban Cố vấn của Boston Consulting Group, xu hướng hợp tác giữa cộng đồng startup và các tập đoàn đa quốc gia không còn là điều xa lạ.
Unilever Foundry, Trung tâm Chiến lược và Sáng tạo Samsung cũng như quỹ GE Ventures là một vài ví dụ cho thấy các doanh nghiệp lớn toàn cầu đang tích cực đổ nguồn lực, vốn hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp. Unilever Foundry dự đoán rằng cho đến năm 2020, các đối tác, mối quan hệ với startup sẽ trở thành một phần không thể thiếu đối với các tập đoàn. 79% doanh nghiệp và 78% công ty khởi nghiệp trả lời khảo sát mong muốn hợp tác với nhau nhiều hơn trong tương lai.
Các startup được hưởng nhiều lợi ích, cơ hội, tín nhiệm và nguồn lực từ sự hỗ trợ của những tập đoàn. Các đặc quyền đặc lợi này không chỉ có lợi cho startup mà còn dành cho các bên liên quan. Về phía tập đoàn, họ nhận lại được mô hình kinh doanh tiềm năng, mở rộng khả năng tiếp cận và đáp ứng khách hàng qua các startup cũng như những nền tảng công nghệ mới mà các công ty khởi nghiệp phát triển.
82% tập đoàn được phỏng vấn đánh giá hợp tác với startup là “khá quan trọng” và “rất quan trọng” đối với mục tiêu phát triển của họ. Thêm vào đó, các chính phủ cũng khuyến khích nguồn vốn tư nhân từ các tập đoàn đổ vào hệ sinh thái khởi nghiệp.