Thực tế, Mỹ đang trở thành một thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam trong nhiều năm gần đây và Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ. Ảnh: Quý Hoà

 
Thứ Ba | 31/08/2021 07:30

Khơi dòng vốn đầu tư từ Mỹ

Dòng vốn đầu tư từ Mỹ hứa hẹn sẽ đem đến cho Việt Nam những dự án chất lượng cao và hướng tới sự phát triển bền vững.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã phối hợp với Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam tổ chức Lễ ký hợp đồng thuê đất để xây dựng trụ sở mới của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. Cùng thời điểm, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ cũng chuẩn bị ký hợp đồng thuê bất động sản tại Washington, D.C. để làm trụ sở mới. Có thể thấy, đây là hình ảnh mang tính biểu tượng, đánh dấu cho mối quan hệ giữa 2 quốc gia ở một nấc thang mới, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.

Thực tế, Mỹ đang trở thành một thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam trong nhiều năm gần đây và Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ. Theo Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam và Mỹ có mức tăng trưởng khá và đạt hơn 50 tỉ USD. Giai đoạn 2016-2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng 230%, trong khi xuất khẩu từ Mỹ vào Việt Nam cũng tăng hơn 175%. 

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến tháng 7, các nhà đầu tư Mỹ đã có 1.100 dự án tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký gần 10 tỉ USD, xếp thứ 11 trong tổng số các nước có vốn đầu tư tại Việt Nam. Tính riêng 7 tháng đầu năm nay, Mỹ có 45 dự án đầu tư vào Việt Nam, xếp thứ 7 trong số các quốc gia có lượng vốn rót vào Việt Nam nhiều nhất.

Việt Nam đón nhận ngày càng nhiều khoản đầu tư công nghệ cao từ Mỹ. Đó là khoản đầu tư bổ sung 475 triệu USD của Tập đoàn Intel vào Intel Products Việt Nam (IPV); dự án Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprises với tổng vốn đầu tư 110 triệu USD; dự án 1 tỉ USD của First Solar, 1 trong 3 tập đoàn năng lượng lớn nhất của Mỹ; Boeing khẳng định cam kết hỗ trợ ngành hàng không Việt Nam thông qua việc chính thức mở văn phòng ở Hà Nội...

Một trong những lý do khiến các nhà đầu tư Mỹ đặt niềm tin vào thị trường Việt Nam là sự phát triển tích cực của quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ và việc thúc đẩy mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam thời gian qua. Hợp tác kinh tế, đặc biệt phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu để giảm bớt ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Mỹ là ưu tiên quan trọng trong chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris tới Việt Nam. Mới đây, CEO của những thương hiệu thời trang lớn như Adidas, Coach, GAP, Nike... cùng kiến nghị Tổng thống Mỹ Joe Biden tăng tốc viện trợ vaccine cho Việt Nam. Bởi vì, nhiều năm qua, ngành công nghiệp da giày, dệt may của Mỹ phụ thuộc trực tiếp vào chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Các tập đoàn lớn hàng đầu của Mỹ có sức ảnh hưởng rất lớn trên toàn cầu về cả quy mô lẫn chất lượng. Việt Nam có thể tận dụng các khoản đầu tư của Mỹ vào những ngành, lĩnh vực công nghệ cao có thể đem lại giá trị sản xuất cao hơn, chuyển giao những công nghệ quan trọng trong chiến lược phát triển khoa học, kỹ thuật của Việt Nam.

Dòng vốn đầu tư từ Mỹ có thể cải thiện chất lượng và hiệu quả của vốn FDI vào Việt Nam để đáp ứng được đòi hỏi của đất nước trong quá trình chuyển sang định hướng đổi mới, sáng tạo, khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng nền kinh tế số, tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. “Các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam đều mang tầm nhìn dài hạn và mong muốn tạo nhiều cơ hội đầu tư tại đây. Cơ hội thu hút FDI từ Mỹ đang rất rộng mở với Việt Nam”, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc Điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, cho biết.

Là một trong những thị trường cung ứng thay thế Trung Quốc trong khu vực, Việt Nam đã duy trì được vị thế trong suốt năm 2020 đầy biến động và đầu năm 2021. Theo cuộc khảo sát của Qima, 1/4 doanh nghiệp được hỏi trên toàn cầu đã xem Việt Nam là 1 trong 3 thị trường cung ứng hàng đầu. Tuy nhiên, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để đón dòng vốn chất lượng từ Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát phức tạp, gây đứt gãy nhiều hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp FDI.

Theo đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, đa số doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam đều tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu dịch bệnh không sớm được kiểm soát, các doanh nghiệp này có khả năng giãn, giảm kế hoạch mở rộng tại Việt Nam, thậm chí giảm sản lượng ở Việt Nam để điều chuyển sang cơ sở sản xuất ở các nước khác.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), các quốc gia như Nhật, Hàn Quốc, Mỹ và khối EU có nguồn vốn chất lượng cao, song hoạt động đầu tư vào Việt Nam còn khá hạn chế. Bởi vì, các nhà đầu tư này còn một số quan ngại như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tính minh bạch, sự thay đổi thường xuyên của hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam phải cạnh tranh với hàng loạt quốc gia như Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan trong thu hút đầu tư từ Mỹ và châu Âu. 

Có thể thấy, một sân chơi công bằng, lành mạnh cho doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng tới quyết định của các nhà đầu tư chất lượng cao từ Mỹ vào Việt Nam. “Nên tận dụng cơ hội trong chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris nhằm thúc đẩy hơn nữa các chương trình thương mại, đầu tư”, ông Toàn nhận định.