Thứ Sáu | 14/09/2012 10:50

Khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân 9 triệu đồng chưa phải đã cao

Thu nhập bình quân đầu người của nước ta thấp xa so với các nước trong khu vực, vì thế, mức khởi điểm tính thuế 9 triệu đồng vẫn còn thấp.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, bà Vũ Thị Mai, so với các nước trong khu vực, mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân 9 triệu đồng, giảm trừ gia cảnh 3,6 triệu đồng/người của Việt Nam vẫn ở mức thấp.

Dựa vào căn cứ nào mà Bộ Tài chính đề xuất nâng mức khởi điểm chịu thuế và giảm trừ gia cảnh lên gấp 2,25 lần hiện nay?
Thứ nhất, chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh (năm 2010 và 2011 tăng tương ứng 11,75% và 18,13%); những năm tiếp theo, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng có thể giữ được ở mức dưới 2 con số, nhưng nhiều khả năng vẫn ở mức khá cao.

Thứ hai, lương tối thiểu áp dụng đối với khu vực hành chính - sự nghiệp tăng từ mức 650.000 đồng năm 2009 lên 830.000 đồng vào năm 2011 và 1,050 triệu đồng vào năm 2012. Dự kiến, năm 2014 và 2015, lương tối thiểu sẽ tăng lên 1,5 triệu đồng và 1,8 triệu đồng.

Thứ ba, thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ mức 19,2 triệu đồng (năm 2009) lên 28,5 triệu đồng vào năm 2011. Năm 2014, dự kiến thu nhập bình quân đầu người ước đạt 43,1 - 43,9 triệu đồng. Hơn nữa, kể từ khi đưa Luật thu nhập cá nhân vào cuộc sống, kinh tế liên tục gặp khó khăn, thu nhập thực tế của đại bộ phận người dân bị giảm, ngoại trừ năm 2010, năm nào, Quốc hội cũng phải miễn thuế TNCN bậc 1, nên mức khởi điểm chịu thuế trên thực tế là 9 triệu đồng (4 triệu đồng khởi điểm chịu thuế và 5 triệu đồng thuế bậc 1), chứ không phải là 4 triệu đồng.

So với nhiều nước trong khu vực, mức khởi điểm và giảm trừ gia cảnh của Việt Nam quá cao, thưa bà?

Tính theo GDP năm 2011, mức khởi điểm chịu thuế và giảm trừ gia cảnh hiện nay bằng 1,7 lần thu nhập bình quân đầu người. Nếu đề xuất của Bộ Tài chính được chấp thuận, thì mức khởi điểm và giảm trừ gia cảnh bằng 2,5 lần thu nhập bình quân đầu người năm 2014. So với nhiều nước trên thế giới và các nước trong khu vực, tỷ lệ khởi điểm chịu thuế và giảm trừ gia cảnh/thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam có thể nói là rất cao. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người của nước ta thấp xa so với các nước trong khu vực, vì thế, mức khởi điểm 9 triệu đồng, giảm trừ gia cảnh 3,6 triệu đồng vẫn còn rất thấp.

Nhiều ý kiến cho rằng, để tạo điều kiện cho người dân, Bộ Tài chính nên tính đến phương án nâng khởi điểm chịu thuế, đồng thời bỏ một số bậc thuế và giãn các bậc thuế suất?
Chúng tôi cũng đã từng tính đến phương án này (phương án 1), nhưng thấy chưa thể thực hiện được, vì ngân sách sẽ giảm thu rất lớn. Trong trường hợp ngân sách không giảm thu so với phương án 2 (nâng mức khởi điểm chịu thuế lên 9 triệu đồng, nâng giảm trừ gia cảnh lên 3,6 triệu đồng/người), thì phương án 1 không đạt mục tiêu hỗ trợ tối đa người nộp thuế thu nhập cá nhân.
Cụ thể là gì, thưa bà?

Tháng 3/2012, Bộ Tài chính đã đưa ra phương án 1: nâng khởi điểm chịu thuế lên 6 triệu đồng, nâng giảm trừ gia cảnh lên 2,4 triệu đồng/người đồng thời bỏ bậc thuế cao nhất, giãn các mức thuế suất. Với phương án này, ngân sách giảm thu tương đương phương án 2 (năm 2013 giảm thu 5.600 tỷ đồng, năm 2014 giảm thu 13.350 tỷ đồng), nhưng lại không tập trung ưu đãi đối với những người có thu nhập thấp nhất trong số người đóng thuế, mà chủ yếu tập trung ưu đãi cho những người có thu nhập cao, vì họ vừa được nâng khởi điểm chịu thuế, giảm trừ gia cảnh vừa được giãn thuế suất.

Chính vì vậy, Bộ Tài chính mới chọn phương án 2. Phương án 2 có ưu điểm là toàn bộ cá nhân đang nộp thuế bậc 1 sẽ không phải nộp thuế; toàn bộ cá nhân đang nộp thuế ở bậc 2 và bậc 3 sẽ nộp thuế ở bậc 1 và bậc 2 với mức thuế suất 5%, 10% thay vì 10% và 15% hiện nay. Trong khi đó, nhóm thu nhập cao đang nộp thuế ở bậc 4, bậc 5, bậc 6 và bậc 7 cũng được hưởng lợi nhờ việc được nâng giảm trừ gia cảnh và khởi điểm chịu thuế.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện