Thứ Năm | 12/01/2017 10:44

Khốc liệt thị trường dầu ăn

Doanh thu của thị trường dầu ăn hằng năm ở VN khoảng 30.000 tỉ đồng và tốc độ tăng trưởng còn rất lớn do mức tiêu thụ bình quân vẫn còn thấp.

Doanh nghiệp nội tăng tốc

Từ một doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất bánh kẹo, cuối tháng 11 vừa qua, Tập đoàn Kido (KDC) đã chính thức hoàn tất mua lại 65% cổ phần tại Công ty cổ phần dầu thực vật Tường An với số tiền hơn 1.000 tỉ đồng. Trước đó, KDC cũng đã sở hữu 24% vốn của Tổng công ty công nghiệp và dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) và theo dự kiến, công ty này cũng sẽ nâng sở hữu lên hơn 51% trong thời gian tới.

Tường An là một trong những DN hàng đầu trên thị trường dầu ăn VN với doanh thu hằng năm vào khoảng 4.000 tỉ đồng. Hiện trên thị trường, bốn công ty dẫn đầu gồm Vocarimex, Tường An, Cái Lân và Nhà Bè. Như vậy, chỉ cần thông qua đầu tư vào hai DN lớn là Vocarimex và Tường An, Kido đã đặt chân vào thị trường mới với tham vọng trở thành vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực dầu ăn. Cùng với sự thay đổi chủ sở hữu tại Tường An, bản thân Kido cũng tự đầu tư sản xuất ra sản phẩm dầu ăn của riêng mình.

Không chỉ riêng Kido đang có tham vọng trên thị trường dầu ăn, một số DN trong nước cũng đã tăng tốc đầu tư cho lĩnh vực này. Chẳng hạn Tập đoàn Sao Mai An Giang chuyên về đầu tư bất động sản đã bỏ ra 500 tỉ đồng đầu tư nhà máy sản xuất dầu ăn từ mỡ cá tra với thương hiệu Ranee thuộc phân khúc cao cấp. Hay Tập đoàn Daso chuyên về logistics cũng tung ra hai sản phẩm dầu ăn mang tên Ogold và Bình An; Công ty cổ phần Quang Minh với các sản phẩm Mr Bean, Soon Soon, Oilla...

Theo Chủ tịch Hiệp hội Marketing Lê Phụng Hào, sản phẩm dầu ăn trong ngành thực phẩm được xem là hàng thiết yếu nên sự cạnh tranh khốc liệt là dễ hiểu. Việc áp dụng công cụ M&A (Mua bán & Sáp nhập) như Kido để xâm nhập nhanh vào thị trường là bước đi của nhiều DN lớn đã thực hiện. Nhưng để hoạt động này thành công, bên cạnh việc cần có tiềm lực tài chính để mua lại một DN khác thì bản thân các công ty mua lại phải có kinh nghiệm về quản trị. Trong đó, việc quản trị theo hướng DN tư nhân, năng động và thích ứng nhanh với thị trường để đạt hiệu quả là điều cần thiết nhất.

Nhưng vẫn chậm

Theo Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, Tường An hiện chiếm 20% thị phần và thua xa mức hơn 40% của Công ty dầu thực vật Cái Lân, dù trước đó vào khoảng năm 2008, thị phần hai công ty này tương đương nhau. Việc sụt giảm thị phần của các thương hiệu trong nước đã dấy lên cuộc chiến tự vệ.

Kết quả điều tra cho thấy trong giai đoạn 2009 - 2011, thị phần của hàng nhập khẩu tăng từ 33% lên 51%, còn thị phần của dầu ăn trong nước giảm từ 37% xuống 22%; giá bán dầu ăn nhập khẩu trong năm 2012 giảm 15% so với giá bán năm 2011... Nếu tình hình này tiếp diễn, ngành sản xuất trong nước sẽ không tránh khỏi việc tiếp tục bị mất thị phần, khiến doanh thu, lợi nhuận của không ít DN giảm và có nguy cơ phải ngừng sản xuất. Nguyên nhân chính là do giảm thuế nhập khẩu dầu ăn từ các nước ASEAN xuống còn 0% đã tạo điều kiện tăng hàng nhập khẩu. Trong điều kiện ngành sản xuất trong nước còn phát triển chậm thì việc giảm thuế như trên “đã tạo áp lực vượt ngoài sự tính toán của ngành sản xuất trong nước”. Vì vậy từ giữa năm 2013, VN đã chính thức áp thuế tự vệ đối với dầu thực phẩm nhập khẩu với mức 5% và giảm dần, hiện còn ở mức 2%. Đó là lần đầu tiên VN áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm nhập khẩu nhằm bảo vệ nền sản xuất nội địa.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng trong những năm qua, các DN trong nước chưa tận dụng tốt cơ hội từ việc áp thuế này để vươn lên. Ví dụ rõ là Công ty dầu Cái Lân với sở hữu lớn của Tập đoàn Wilmart đến từ Singapore đã nhanh chóng vươn lên dẫn đầu trên thị trường. Không dừng lại ở đó, giữa năm 2016 vừa qua, chính tập đoàn này cũng đã mua lại 45% cổ phần tại nhà máy sản xuất dầu nành của Tập đoàn Bunge (Mỹ) tại VN. Một số tập đoàn nước ngoài cũng đặt chân vào thị trường VN như Musim Mas đã xây dựng nhà máy sản xuất dầu ăn tại VN có công suất 1.500 tấn/ngày với vốn đầu tư hơn 70 triệu USD; Tập đoàn Felda Global Ventures bắt tay hợp tác với Kido…

Theo thông báo của Bộ Công thương, mức thuế tự vệ sẽ chấm dứt vào giữa năm 2017 nếu không được gia hạn thêm. Điều này sẽ khiến các DN Việt lại phải quay về với sự cạnh tranh khốc liệt đã từng xảy ra như trước. Chuyên gia chiến lược Đỗ Hòa nhận định, mức thuế tự vệ của VN không thể kéo dài mãi mãi. Bản thân các DN trong nước vốn đã thua vì gần 90% nguyên liệu phải nhập khẩu, thua luôn năng lực tài chính và năng lực xây dựng thương hiệu so với DN nước ngoài. “Nếu không làm gì thì các DN trong nước sẽ bị tiếp tục thua xa trên thị trường. Riêng đối với nhiều DN vừa và nhỏ, liên kết với nhau là giải pháp duy nhất để tăng sức cạnh tranh. Nhưng để liên kết được thì phải có lòng tin với nhau. Trong đó, tính minh bạch là yếu tố quyết định. Nhưng nhiều DN lại kém minh bạch thì chắc chắn sẽ khó có sự hợp tác để cùng phát triển”, chuyên gia Đỗ Hòa nói.

Đồng quan điểm, ông Lê Phụng Hào cho rằng câu chuyện liên kết giữa các DN trong nước đã nói đến rất nhiều khi thị trường mở cửa. Nhưng dường như vẫn chưa có sự kết nối nào thật sự giữa các DN trong nước để cùng phát triển, cùng xây dựng thành thương hiệu lớn mạnh đủ sức trở thành đối trọng với những tập đoàn nước ngoài.

Theo Bộ Công thương, mức tiêu thụ dầu ăn trên đầu người/năm của VN hiện khoảng 9 - 10 kg, thấp hơn mức WHO khuyến cáo là 13,5 kg/năm. Tuy nhiên dự báo mức tiêu thụ này sẽ tăng lên khoảng 18,5 - 19 kg/người/năm vào năm 2025. Tổng sản lượng sản xuất cả nước năm 2015 đạt 812.000 tấn trong khi lượng tiêu thụ đạt 920.000 tấn. Hiện thị trường có gần 40 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dầu ăn. Trong đó, dầu cọ là sản phẩm dầu thực vật chính chiếm 70% thị phần, dầu nành chiếm 23%, còn các loại dầu thực vật khác chiếm 7%.

Nguồn Thanh niên