Các suối khoáng nóng tại Việt Nam có nhiều tiềm năng thu hút du lịch. Ảnh: Yoko Onsen.
Khoáng nóng làm nóng thị trường du lịch
Số liệu từ Tổ chức Global Wellness Institute năm 2017 cho biết thị trường suối khoáng nóng toàn cầu đã đạt 56 tỉ USD, dự đoán quy mô thị trường sẽ đạt 77 tỉ USD vào năm 2022. Ở khắp khu vực Đông Á và Đông Nam Á, dịch vụ tắm khoáng nóng Onsen Nhật đang nở rộ. 2 năm trước, Gokurakuyu Holdings, công ty quản lý khoảng 40 khu tắm khoáng nóng trên khắp Nhật, đã mở một khu tắm khoáng ở Trường Xuân, Đông Bắc Trung Quốc rộng 14.500 m2, phí vào cửa là 108 nhân dân tệ/người (khoảng 16 USD).
Ở Đài Loan, 125 nhà khai thác kinh doanh suối nước nóng đã nhận được một khoản hỗ trợ từ chính quyền trong giai đoạn 2010-2015 nhằm thúc đẩy dịch vụ này phát triển. Tại Thái Lan, vài năm qua, cũng chứng kiến sự xuất hiện của nhiều khu tắm khoáng nóng sang trọng.
Từ lâu, con người đã biết đến khoáng nóng như một liệu pháp thư giãn tinh thần, phục hồi, cải thiện sức khỏe và nâng cao tuổi thọ. Tuy vậy, khoáng nóng không phải là tài nguyên phổ biến mà có tính đặc thù riêng biệt. Chỉ những nơi có vùng địa chất đặc biệt, mạch nước nằm gần với nguồn hoạt động của núi lửa mới hình thành nên khoáng nóng.
Bởi vậy, các khu nghỉ dưỡng khoáng nóng trên thế giới chỉ tập trung tại một số quốc gia nhất định và trở thành ngành du lịch mang tính bản sắc, hạn hữu về địa điểm. Nắm bắt được yếu tố này, các nhà đầu tư về dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã đẩy mạnh dòng vốn tập trung vào các vùng có mỏ khoáng nóng chất lượng và biến khoáng nóng trở thành ngành kinh doanh sức khỏe. Tại Việt Nam, nhiều mỏ khoáng nóng chất lượng đã được khai phá, đón đầu làn sóng đầu tư của các tên tuổi lớn trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ sức khỏe.
Tiêu biểu như tại dự án Wyndham Lynn Times Thanh Thủy (Phú Thọ) đã ghi nhận giao dịch 500 căn hộ khách sạn tiêu chuẩn 5 sao được Tập đoàn Daiwa Nhật mua sỉ, nhằm phân phối cho các nhà đầu tư trong nước. Ngoài ra, trong giới nhà giàu Việt Nam, nhu cầu sở hữu bất động sản kết hợp chăm sóc sức khỏe, trị liệu cũng tăng nhanh. Đón đầu xu hướng đó, Tập đoàn Sun Group đã chào bán Tổ hợp biệt thự Sun Onsen Village - Limited Edition tại khu vực suối nước khoáng nóng Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh.
Cùng nằm trong một dự án với Sun Onsen Village - Limited Edition, Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng Yoko Onsen do Park Hyatt quản lý vận hành đi vào hoạt động từ giữa năm 2020, mỗi ngày thu hút từ 300-800 khách, công suất phòng đạt 75% các ngày trong tuần, và lên đến 100% vào cuối tuần. Trước đó, một số nhà đầu tư Thái Lan đã đến tìm hiểu nhu cầu đầu tư tại Khu Du lịch suối khoáng Mỹ Lâm (Tuyên Quang).
Trong chương trình khảo sát địa chất suối khoáng nóng tại tỉnh Phú Yên năm 2019, ông Mihaly Krampek, Cố vấn Hiệp hội Tắm khoáng nóng Hungary, nhận xét: “Tiềm năng suối khoáng nóng của Phú Yên rất dồi dào, rất giàu tiềm năng phát triển du lịch.
Chúng tôi cho rằng, muốn khơi dậy tiềm năng này trở thành nguồn lợi phục vụ cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội, việc đầu tiên là phải điều tra các nguồn nước khoáng nóng trên địa bàn. Tiếp đó là đánh giá thành phần hóa học, tác dụng của nước. Từ cơ sở này, có thể xác định cho mục đích điều trị dưỡng bệnh hay là một trung tâm spa, thể thao du lịch nước nóng”.
Theo ông Mihaly Krampek, mỗi năm ước tính có hơn 3,6 triệu lượt khách quốc tế đến Hungary chỉ để tắm khoáng nóng, chưa kể hệ thống bệnh viện trong nước sử dụng liệu pháp tắm khoáng nóng để chăm sóc sức khỏe theo hệ thống bảo hiểm quốc gia cho người dân trong nước (kể cả hợp tác với hệ thống bảo hiểm các nước khu vực châu Âu). Doanh thu của ngành du lịch mà vai trò chính là các dịch vụ liên quan đến suối khoáng nóng đóng góp 10,5% GDP của Hungary.
Bằng kinh nghiệm thực tế, các chuyên gia Hungary khuyến cáo chính quyền địa phương cần đưa ra định hướng mục tiêu, phương án hợp lý cho từng nguồn suối khoáng. Khi có được định hướng và phương án mới kêu gọi đầu tư. “Tôi muốn khuyến cáo các bạn trong vấn đề quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược, tránh những sai lầm mà Hungary đã từng mắc phải. Đó là không lường hết sự phát triển trong tương lai, dẫn đến đầu tư xé lẻ, phá vỡ quy hoạch. Một vấn đề quan trọng khác là đầu tư hạ tầng giao thông và bảo vệ môi trường”, ông Mihaly Krampek chia sẻ thêm.
Tại Việt Nam, nhiều nguồn suối khoáng nóng đã được khai thác, hình thành các khu nghỉ dưỡng hấp dẫn khách trong nước cũng như thu về nguồn ngoại tệ đáng kể như Khu Du lịch tắm khoáng, bùn Tháp Bà (Khánh Hòa), Khu Du lịch suối khoáng nóng Mỹ Lâm (Tuyên Quang), Khu du lịch suối nước nóng Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu)...
Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường, chất lượng các suối khoáng nóng nhiều nơi vẫn chưa làm tốt. Chẳng hạn, vi phạm Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Đầu tư, Luật Khoáng sản... là những sai phạm phổ biến của các doanh nghiệp, hộ gia đình đang khai thác, sử dụng, kinh doanh nước khoáng nóng tại nhiều địa bàn có suối khoáng nóng. Việc khai thác nước khoáng nóng trái phép đã gây thất thoát, lãng phí lớn về tài nguyên. Tình trạng khai thác bừa bãi, tràn làn này còn gây ô nhiễm nguồn nước, làm cho áp lực và nhiệt độ nước khoáng nóng bị giảm.