Khoảng lặng trước "bão" phân loại nợ xấu
Có hơn 1 năm để chuẩn bị, nên đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng đều cho biết là đã sẵn sàng thực hiện Thông tư 02.
Theo nhận định chung, sau khi được sửa đổi bởi Thông tư 09/2014/TT-NHNN, Thông tư 02 không còn “lợi hại” như trước. Do đó, trái với nhận định ban đầu rằng, việc áp dụng Thông tư 02 có thể khiến nợ xấu tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba, thì đến thời điểm này, các chuyên gia và lãnh đạo các ngân hàng đều cho rằng, việc áp dụng Thông tư trên chỉ khiến nợ xấu tăng nhẹ trong năm 2014.
Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho biết, nếu áp dụng Thông tư 02, nợ xấu năm nay của SHB chỉ tăng thêm 1 - 2%, mức tăng này không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của SHB.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng cho rằng, một khi áp dụng Thông tư 02, nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng lên. “Tuy nhiên, trước khi Thông tư này có hiệu lực, các ngân hàng đã có thời gian chuẩn bị và đã phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro nghiêm túc hơn. Do đó, khi chính thức có hiệu lực, Thông tư 02 sẽ không tác động lớn tới thị trường, ngoại trừ lợi nhuận sẽ giảm khá mạnh do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro”, ông Tùng nhận xét.
Trước đó, trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 5/2014, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư về khả năng nợ xấu tăng lên do Thông tư 02 chính thức áp dụng, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) thừa nhận, việc áp dụng Thông tư 02 sẽ khiến bức tranh nợ xấu được phản ánh chính xác hơn, vì thế tỷ lệ nợ xấu có thể cao hơn. Tuy nhiên, điều này sẽ thúc đẩy quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
“Thời gian qua, hệ thống ngân hàng thương mại cũng đã có sự chuẩn bị sẵn sàng để áp dụng quy định mới”, ông Nghĩa khẳng định.
Và phải tiếp tục làm gì?
Theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, sở dĩ các ngân hàng có thể bình tĩnh khi Thông tư 02 chính thức được áp dụng là do NHNN đã ban hành Thông tư 09/2014/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều trong Thông tư 02, cho phép các tổ chức tín dụng tiếp tục gia hạn việc cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp đến tháng 4/2015.
Tuy vậy, theo nhận định từ phía các ngân hàng, sự “êm ả” của thị trường hiện tại chỉ là khoảng lặng trước “cơn bão”.
“Sóng gió sẽ chính thức đến với các ngân hàng từ đầu năm 2015, khi quy định phân loại nợ mới chính thức được áp dụng. Từ nay đến cuối năm, nếu Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) không khẩn trương xử lý được nợ xấu, nguy cơ nợ xấu của toàn hệ thống sẽ tăng lên rất nhanh”, Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP khẳng định và cho biết thêm, nhiệm vụ sống còn của các ngân hàng hiện nay là chạy đua nâng cấp công nghệ, siết chặt quản trị rủi ro, tăng trích lập dự phòng với các khoản nợ xấu, tích cực thu hồi nợ và bán nợ xấu cho VAMC.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo Techcombank cho hay, để đối phó với những tác động bất lợi của Thông tư 02, thời gian qua, nhiều ngân hàng đã tích cực trích lập dự phòng rủi ro và đầu tư mạnh cho quản trị rủi ro, đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, trước áp lực của Thông tư 02 và Thông tư 09, nhiều ngân hàng lên kế hoạch bán nợ cho VAMC để giảm tỷ lệ nợ xấu, trước khi con số này có nguy cơ tăng.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa cũng xác nhận, theo hồ sơ mà các ngân hàng gửi lên, số nợ xấu đang “xếp hàng” chờ VAMC mua lại lên tới hơn 30.000 tỷ đồng. Trong khi đó, báo cáo của Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) đưa ra vào đầu tháng 6/2014 cũng thừa nhận, nợ xấu tăng trong khi tổng tín dụng giảm cho thấy các ngân hàng đã tích cực hơn trong xử lý nợ xấu bằng trích lập dự phòng rủi ro. “Điều này cho thấy, các ngân hàng đang nghiêm túc chuẩn bị cho việc tuân thủ các quy định mới của Thông tư 02 và Thông tư 09”, báo cáo của HSC viết.n
Liên quan đến những hệ lụy khi Thông tư 02 chính thức áp dụng, một chuyên gia kinh tế cho rằng, điều đáng lo nhất không phải là số nợ xấu sẽ tăng lên bao nhiêu, mà là sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp không có cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng...
Nguồn Báo Đầu Tư