Khoảng 30% dự án đầu tư công không được giám sát
Số liệu trên cho thấy, số lượng và tỉ lệ các dự án được giám sát, đánh giá các năm không tăng, tình hình thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư mặc dù đã được quan tâm nhưng chưa được cải thiện nhiều, cần tiếp tục được chấn chỉnh trong thời gian tới.
Trong khi đó, tại Hội thảo xây dựng định hướng chiến lược về giám sát và đánh giá đầu tư công thời kỳ 2015-2020 tổ chưc mới đây, ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trong số 34.000-36.000 dự án đầu tư công đang thực hiện, chỉ khoảng 60% là có thực hiện báo cáo giám sát.
Ông Tự nói: "Tỉ lệ trên là rất đáng lo ngại. Nhiều dự án dùng vốn của Nhà nước nhưng không báo cáo và điều trớ trêu là họ vẫn thực hiện các dự án này bình thường, dù chế tài đã có".
Ông Nguyễn Xuân Tự đánh giá: "Đây là vấn đề cho thấy vì sao đầu tư công trong thời gian qua không hiệu quả".
Vì thế mà hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến các đơn vị về Dự thảo Nghị định về giám sát và đánh giá đầu tư, trong đó có những quy định nghiêm ngặt nhằm "bịt" lỗ hổng giám sát, đánh giá dự án đầu tư công.
Ngoài ra, các dự án đầu tư chậm tiến độ vẫn còn phổ biến, chiếm khoảng 10% số dự án thực hiện trong kì báo cáo. Năm 2010 có 34,6 nghìn dự án đầu tư thì có tới 3.386 dự án chậm tiến độ. Năm 2011 có 38,4 nghìn dự án đầu tư thì có 4.436 dự án chậm tiến độ. Năm 2012 có 34.509 dự án đầu tư thì có 4.063 dự án chậm tiến độ.
Khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là nguyên nhân hàng đầu khiến các dự án chậm tiến độ.
"Chậm tiến độ là một trong những nguyên nhân chính làm tăng tổng mức đầu tư, làm cho các dự án đầu tư giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư. Việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án góp phần giảm đáng kể vào việc nâng cao hiệu quả đầu tư của các dự án" - theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đối với các dự án chậm tiến độ hoặc không triển khai đúng tiến độ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Cần có báo cáo giám sát, đánh giá đầy đủ các nội dung của dự án, nguyên nhân chậm tiến độ, trách nhiệm các cơ quan liên quan, chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. Làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra chậm tiến độ dự án, kiên quyết xử lí sai phạm của các đơn vị, cá nhân liên quan, chấm dứt hợp đồng của các nhà thầu không đủ năng lực, đối với các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.
"Đối với các chủ đầu tư, không giao dự án cho các chủ đầu tư không đủ năng lực quản lí dự án, chuyển giao dự án cho các Ban quản lí dự án chuyên trách làm chủ đầu tư; không giao dự án mới cho các chủ đầu tư có từ 3 dự án vi phạm về quản lí dự án đầu tư, giám sát, đánh giá đầu tư…" - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.
Nguồn Báo Hải quan