Khoảng 20% các công ty chứng khoán phải nằm trong diện phải tái cấu trúc
“Tái cấu trúc TTCK không phải là mục tiêu cuối cùng mà cùng với phát triển thị trường chứng khoán đây sẽ là công cụ để tái cấu trúc các ngân hàng, DNNN và tái cấu trúc nền kinh tế nói chung” – Ông Long nhấn mạnh.
Đề án tái cấu trúc TTCK đã được Chính phủ phê duyệt với 4 trụ cột chính bao gồm: Tái cấu trúc hàng hóa; Tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư; Tái cấu trúc các định chế trung gian (các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ) và Tái cấu trúc các tổ chức quản lý, vận hành thị trường.
Sơ bộ về kết quả đến nay, ông Long chia sẻ: Về tái cấu trúc cơ sở nhà đầu đã đạt hơn 1,2 triệu tài khoản, tăng hơn 10%, trong đó số lượng tài khoản nhà đầu nước ngoài chiếm trên 10%, đặc biệt số lượng nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài tăng trên 55% so với 2011.
Đối với quỹ đầu tư, đang có thế hệ quỹ mở thay thế, hoạt động tốt và minh bạch hơn. Tỷ lệ tài sản nhà đầu tư tổ chức (kể cả trong và ngoài nước) bao gồm: Các doanh nghiệp bảo hiểm, hệ thống các quỹ đầu tư… ước đạt 10 – 12% GDP.
Về tái cấu trúc tổ chức kinh doanh chứng khoán được dựa trên nguyên tắc không sử dụng vốn của ngân sách nhà nước, hoạt động tái cấu trúc theo nguyên tắc thị trường không dùng các biện pháp hành chính, đặc biệt việc giải thể các công ty chứng khoán phải thực hiện theo trật tự không gây xáo trộn và ảnh hưởng đến thị trường.
Tính đến cuối quý 3/2013 có 20% các định chế trung gian là các công ty chứng khoán phải nằm trong diện phải tái cấu trúc; trong đó có một nửa đã hoàn tất việc giải thể, thanh lý, thu hồi giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động.
Số còn lại đang tiếp tục nằm trong diện cảnh báo để có thể tiếp tục thực hiện việc tái cấu trúc lại.
Bên cạnh đó, phương án tái cấu trúc hai sở giao dịch chứng khoán (Hà Nội và Tp HCM) đang tiếp tục trình lên cấp cao hơn để tiến đến sáp nhập hai sở này trong thời gian tới.
Nguồn CafeF