Thứ Sáu | 19/10/2012 13:42

Khó xử phạt ngân hàng vi phạm

Theo dự thảo mới về vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng, các mức xử phạt được tăng mạnh từ mức dưới 20 triệu đồng lên tới 2 tỷ đồng.
Vi phạm tràn lan

Hàng loạt ngân hàng đang đối mặt với các án phạt nặng nề nếu dự thảo Nghị định mới quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng được thông qua và có hiệu lực vào năm 2013. Theo dự thảo này, các mức xử phạt được tăng mạnh từ mức dưới 20 triệu đồng lên tới 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử phạt ngân hàng vi phạm sẽ không hề dễ dàng.

Từ tháng 9/2012 đến nay, hiện tượng lách trần lãi suất bắt đầu xuất hiện trở lại và có xu hướng ngày càng lan rộng. Theo đó, lãi suất huy động USD đã tăng gấp đôi so với trần huy động, lên tới mức 4-5%/năm. Còn lãi suất huy động tiền đồng kỳ hạn dưới 1 năm cũng đã vượt qua mức trần 9%/năm, lên tới 11-12%/năm, thậm chí là 13%/năm với các khoản tiền lớn. Theo Dự thảo Nghị định mới, hành vi lách trần lãi suất trên đây sẽ bị xử phạt tới 1 tỷ đồng.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nhận xét, mức phạt trên đã đủ sức răn đe, song vấn đề không phải chỉ ở chế tài: “Tôi cho rằng, lách trần lãi suất giờ khá phổ biến và còn tiếp diễn cho đến khi nào trần lãi suất còn được áp dụng, vấn đề là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có mạnh tay kiểm tra, xử phạt hay không mà thôi”, vị phó tổng giám đốc này nói.

Đồng tình với ý kiến trên, chuyên gia kinh tế Lê Thẩm Dương cũng cho rằng, một khi đã áp dụng trần lãi suất (tức là áp dụng biện pháp hành chính) thì sẽ luôn có ngân hàng tìm cách lách. Vì vậy, ngoài việc tăng mức xử phạt còn phải đưa ra các quyết định mạnh tay, như cách chức người đứng đầu, đồng thời, NHNN cần thực hiện quyết liệt, triệt để. Thời gian qua, việc xử phạt lách trần lãi suất không hiệu quả bởi thực hiện chưa thật quyết liệt.

Một án phạt nữa mà nhiều ngân hàng có nguy cơ bị “dính” là việc trích lập dự phòng không đầy đủ. Theo dự thảo Nghị định mới, hành vi này có thể bị phạt lên tới 2 tỷ đồng (quy định cũ chỉ bị phạt 12 triệu đồng).

Dù báo cáo nợ xấu của đa số ngân hàng thương mại hiện đều rất đẹp, theo đúng quy định (dưới 3%), song trên thực tế, con số này lớn hơn nhiều. Điều này cũng đồng nghĩa, một lượng lớn nợ xấu đã không được các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ.

Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN cũng thừa nhận, nhiều ngân hàng báo cáo nợ xấu chỉ là 2,5%, song khi NHNN vào thanh tra, phát hiện nợ xấu lên tới 30% - 60%.

Ngay cả với những khoản nợ xấu đã được trích lập dự phòng trước đây cũng có nguy cơ không còn đầy đủ. Ông Trương Ngọc Anh, Chánh văn phòng Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng (thuộc NHNN) thừa nhận, trong hơn 200.000 tỷ đồng nợ xấu của ngân hàng hiện nay, chỉ có gần 70.000 tỷ đồng đã được trích lập dự phòng rủi ro.

Còn hơn 130.000 tỷ đồng còn lại là có tài sản đảm bảo, song đến nay, giá trị tài sản đảm bảo (chủ yếu là bất động sản) đã sụt giảm. Vì vậy, nếu muốn đảm bảo đúng quy định, các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu này, song không phải ngân hàng nào cũng thực hiện.
Phạt 2 tỷ đồng với sở hữu chéo là quá nhẹ

Trong khi tán thành với mức xử phạt với hành vi lách trần lãi suất và trích lập dự phòng rủi ro không đầy đủ, thì nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng, mức xử phạt mà Dự thảo Nghị định đưa ra với vi phạm sở hữu chéo là quá nhẹ.

Cụ thể, Dự thảo Nghị định quy định, hành vi vi phạm giới hạn góp vốn, mua cổ phần quy định tại Điều 129, Luật Các tổ chức tín dụng chỉ bị phạt 1-2 tỷ đồng. Một chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, lợi ích từ sở hữu chéo mà các cổ đông lớn ngân hàng mang lại hàng trăm tỷ đồng, thì việc xử phạt vài tỷ đồng là quá nhẹ.

TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Luật Các tổ chức tín dụng đã quy định rõ tỷ lệ góp vốn ngân hàng với cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, tình trạng lách luật để sở hữu chéo ở Việt Nam vẫn xảy ra. Vấn đề đặt ra là, nước ta có quá ít kinh nghiệm trong quản lý sở hữu chéo.
Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, điều quan trọng nhất để chặn vi phạm sở hữu chéo ngân hàng không phải ở chế tài xử phạt, mà là phải có quy định ngăn hình thức ủy quyền góp vốn. Quy định cho phép ủy quyền góp vốn hiện nay chính là kẽ hở, là mầm mống của hiện tượng sở hữu chéo ngân hàng.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện