Khó vay trung hạn
Thành ra chỉ những doanh nghiệp đang "sống", đang có đầu ra nhưng hoặc bí tiền sản xuất ngắn hạn mới có nhu cầu vay bổ sung vốn lưu động. Điều đó khiến ngân hàng gặp khó bởi đầu ra của vốn tiếp tục nhỏ từng giọt, còn doanh nghiệp muốn phát triển xa hơn một chút lại chưa dám mạnh dạn phiêu lưu trong quyết định vay vốn đầu tư.
Mặt khác, lý do khiến doanh nghiệp chưa dám vay vốn đầu tư trung hạn do thực tế hiện nay ngay ở các khoản vay ngắn hạn thì nhiều doanh nghiệp cho biết họ vẫn đang phải vay với lãi suất khá cao, cao hơn mức 9-10% dành cho nhóm được hưởng vay ưu đãi từ khoảng 2-3%.
Theo phân tích của một nhà băng thì đó là thực tế hiển nhiên bởi ngân hàng không còn dư địa để hạ chi phí xuống thấp hơn, trong khi rủi ro vẫn còn hiện diện mức cao và ngân hàng sẽ phải bắt buộc giữ lãi suất cho vay ở một mặt bằng nhất định để vừa đáp ứng đủ chi phí, vừa có phần trích lập dự phòng rủi ro.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hội Cao su Nhựa TPHCM, "Riêng với hội viên Hội Nhựa Cao su, do năm rồi giá nguyên liệu xuống, doanh nghiệp có lãi chút ít và tất cả đều có khả năng tiếp cận vốn vay nhưng không dám vay. Lãi suất vẫn còn cao, lại buộc phải thế chấp tài sản lớn nên doanh nghiệp rất e ngại".
Ông Anh cũng cho biết tại doanh nghiệp tư nhân của ông, tuy vẫn đang phát triển và tăng trưởng, có lãi, nhưng muốn vay trung hạn thì vẫn phải chấp nhận lãi suất 13-14%/ năm, với biên độ khoảng 4-5%, tức doanh nghiệp có thể bị điều chỉnh lãi suất lên tới 17-18%/ năm nếu có biến động lãi suất điều hành và lạm phát trở lại trong năm tới. Mà kể cả như vậy, doanh nghiệp muốn vay trung hạn cũng bị xét duyệt rất khó khăn.
"Về lâu dài, chúng tôi hi vọng lãi suất trung và dài hạn chỉ khoảng 10% là tốt nhất!", ông nói.
Nguồn Diễn đàn doanh nghiệp