Khó mua bán nợ xấu trong thời điểm hiện nay
Theo tôi, để giải quyết nợ xấu, yêu cầu đầu tiên và rất quan trọng là phải minh bạch trong vấn đề xác định nợ xấu. Hiện đang tồn tại một thực tế là có những ngân hàng không công bố nợ xấu sát với thực tế. Do đó, tiêu chí phân loại nợ xấu cần phải rất chuẩn mực và đồng nhất, chứ không thể cùng một khoản nợ mà ngân hàng này cho là nợ xấu, ngân hàng kia thì không.
Bên cạnh đó, cần siết chặt kỷ luật với những chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với những ngân hàng vi phạm. Chẳng hạn, khi phát hiện ngân hàng đảo nợ hoặc cố tình che giấu nợ xấu, NHNN có thể áp dụng biện pháp kỷ luật như: hạn chế tăng trưởng tín dụng, hạn chế mở mạng lưới hoặc những quy định về dự trữ bắt buộc. Hiện tại, chưa có ngân hàng nào bị xử lý do không phản ánh đúng nợ xấu.
Có ý kiến cho rằng, để có thể đẩy nhanh quá trình lành mạnh hóa tài chính của các ngân hàng, Nhà nước nên vào cuộc. Cụ thể là Chính phủ đứng ra mua lại những khoản nợ xấu đó, lành mạnh hóa nó rồi sau đó bán lại. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Về mặt tinh thần thì đúng, nhưng khi thực hiện sẽ khó, bởi nếu Chính phủ mua nợ xấu của một ngân hàng A với giá thấp sẽ gây ảnh hưởng lên định giá nợ xấu của ngân hàng khác. Trong khi đó, chưa chắc các ngân hàng đã mặn mà với giải pháp này.
Ví dụ điển hình là thời điểm khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 - 2009, chính phủ Mỹ có đưa giải pháp mua nợ của các ngân hàng, nhưng không hiệu quả, bởi mấy lý do sau. Thứ nhất, không ai dám bán, vì bán sẽ lộ ra là mình có nợ xấu. Thứ hai, chắc chắn chính phủ muốn mua nợ xấu với giá có lợi cho đất nước; nhưng nếu giá quá thấp thì các ngân hàng không đồng ý, do sẽ phải chịu một khoản lỗ rất lớn cho khoản nợ đó. Do đó, Chính phủ Mỹ cuối cùng đã phải đưa ra giải pháp Ngân hàng Trung ương bỏ tiền mua lại cổ phần của các ngân hàng để vực lại niềm tin.
Bên cạnh đó, với giải pháp mua nợ xấu, Chính phủ cần phải bỏ ra một lượng vốn khá lớn. Tính bình quân, các chính phủ thường tiêu tốn khoảng 13% giá trị GDP khi tái cơ cấu hệ thống tài chính. Con số này trên thực tế có khả năng lớn hơn đối với một số nước, ví dụ Chính phủ Indonesia tiêu tốn 50% giá trị GDP hay hơn 30% tại Thái Lan hoặc nhỏ hơn như Malaysia, khoảng 5%.
Cũng có ý kiến cho rằng, nên học hỏi kinh nghiệm mua bán nợ xấu của Trung Quốc, vì nước này có vẻ thực hiện thành công?
Thực ra, chưa ai biết vấn đề nợ xấu của Trung Quốc sẽ diễn ra như thế nào. Vì Trung Quốc hiện nay vẫn tồn tại nợ xấu của các chính quyền địa phương, do bản thân các chính quyền địa phương vay rất nhiều, dùng khoản tiền đó để đầu tư vào các dự án trung - dài hạn, mà khoản vay lại là ngắn hạn. Đến lúc chính quyền địa phương không trả được nợ, thì tình hình nợ xấu của các ngân hàng tại Trung Quốc cũng sẽ khó kiểm soát.
Vậy theo ông, trong điều kiện nào thì việc mua lại nợ xấu mới đạt hiệu quả?
Tôi cho rằng, việc mua lại nợ xấu thông qua các công ty mua bán nợ (AMC) chỉ hiệu quả khi thỏa mãn các điều kiện sau. Thứ nhất, sự mong muốn và hỗ trợ của Chính phủ là hết sức quan trọng để đảm bảo thành công cho các công ty mua bán nợ. Thứ hai, sự hỗ trợ về mặt tài chính của Chính phủ bằng việc cấp vốn trực tiếp. Nếu AMC phát hành trái phiếu, các trái phiếu này cần sự bảo lãnh của Chính phủ.
Thứ ba, thị trường vốn cần hoạt động hiệu quả, tạo thuận lợi cho việc định giá và mua bán nợ. Đồng thời, các quy định pháp luật cũng cần cho phép các nhà đầu tư nước ngoài mua lại nợ từ AMC. Thứ tư, thời hạn hoạt động của AMC cần được xác định để đảm bảo AMC không ôm nợ xấu trong thời gian dài do không dám chịu lỗ khi bán ra, nhưng đồng thời, thời gian cũng đủ dài để AMC có đủ thời gian để giải quyết nợ xấu.
Thứ năm, tính minh bạch cao. AMC cần thường xuyên công bố kết quả hoạt động và kết quả kiểm toán để thị trường có thể hiểu rõ tình hình thực tế. Thứ sáu, xử lý nhanh. Chờ thị trường đảo chiều để giảm lỗ thường dẫn đến làm chậm quá trình xử lý nợ và gây nên lỗ lớn hơn. Cuối cùng, hoạt động mua bán nợ nên diễn ra khi thị trường không bị quá hoảng loạn, vì nếu như thế thì chắc chắn không ai dám bán và càng bán, giá càng xuống.
Như vậy, việc AMC mua lại nợ xấu ở Việt Nam sẽ rất khó thực hiện?
Việc thực hiện thành công đòi hỏi các điều kiện nêu ở trên. Khi các điều kiện chưa thỏa mãn, các ngân hàng có thể chọn cách bán trực tiếp cho một người, chứ không rao bán trên thị trường.
Điều mà chúng ta kỳ vọng là sau khi hợp nhất, sáp nhập, người ta sẽ phải lành mạnh hóa sổ sách, giải quyết tất cả những gì còn tồn đọng. Tôi cho rằng, việc lập ra một tổ chức để mua lại nợ xấu là một sự lựa chọn, nhưng ở Việt Nam, nhiều khả năng là khó làm trong thời điểm hiện nay.
Vậy ông đánh giá thế nào về các giải pháp hiện nay của NHNN trong việc xử lý các ngân hàng yếu kém?
Về chính sách, việc NHNN áp trần tăng trưởng tín dụng là điều rất tốt trong việc lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng. Thay vì tăng trưởng tín dụng trước đây ở mức cao, giờ chỉ còn 17% hoặc thấp hơn. Do đó, các ngân hàng phải lựa khách hàng tốt nhất để cho vay, không phải tăng về lượng, mà phải tăng về chất. Bản thân việc này sẽ giúp nâng cao chất lượng tài sản của ngân hàng.
Bên cạnh đó, cần xem xét lại các quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro. Theo Quyết định 493, các ngân hàng được quyền chọn việc xác định nợ xấu trên cơ sở định tính hoặc định lượng. Chính vì vậy, đến nay, rất ít ngân hàng lựa chọn phân loại nợ theo phương pháp định tính (Điều 7 Quyết định 493), mà đa phần chọn phương pháp định lượng (Điều 6 Quyết định 493).
Tất nhiên, khi nâng chuẩn, những ngân hàng không đạt chuẩn sẽ phải sáp nhập. NHNN đã có hướng mở cho việc sáp nhập, hợp nhất. Đó cũng là một sự lựa chọn. Nếu bản thân ngân hàng chưa đủ sức, thì nên kết hợp với một ngân hàng mạnh hơn để tồn tại, chứ cứ cố chống chọi thì chưa chắc đã giữ lại được giá trị của bản thân trên thị trường.
Tuy nhiên, theo tôi, nên “mở” hơn cho các thành phần kinh tế tư nhân và ngân hàng nước ngoài tham gia, chỉ có như vậy mới đẩy nhanh được tiến trình này. Ví dụ, ở nước ngoài, khi các ngân hàng nước ngoài tham gia mua lại một ngân hàng yếu kém, xử lý nợ xấu…, các ngân hàng nước ngoài được mua tới 90%, thậm chí 100% cổ phần của ngân hàng yếu kém đó. Ở Việt Nam, theo quy định, sở hữu tối đa của một định chế tài chính nước ngoài tại các ngân hàng trong nước chỉ là 20%, rất khó để họ tham gia thay đổi và nâng cấp tổ chức tín dụng yếu kém.
Nguồn Đầu tư Chứng khoán