Khó kích tín dụng nếu không giảm lãi suất
Trong khi đó, ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank nhận định, lãi suất huy động có thể giảm thêm 1% trong năm tới, nếu tình hình lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, nhưng trần lãi suất khó giảm so với mức 9%/năm hiện nay.
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đưa ra nhận định, chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2012 dự báo ở mức 8 - 8,5% so với cuối năm 2011 và khả năng lạm phát kỳ vọng cho cả năm 2013 cũng không thể thấp hơn mức này. Vì thế, lãi suất khó có thể giảm sâu so với mặt bằng hiện nay.
“Lạm phát ở mức 8%, thì lãi suất huy động phải 9%/năm, thì người gửi tiền mới có thể được hưởng lãi suất thực dương”, TS. Lịch cho biết.
Báo cáo về tình hình kinh tế Việt Nam của JPMorgan Chase cho thấy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ không cắt giảm lãi suất VND trong nửa đầu năm sau, bất chấp những lo ngại về tăng trưởng kinh tế và sức khỏe của hệ thống ngân hàng. Mức tăng 7,1% của chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2012 so với cùng kỳ năm ngoái thấp hơn dự báo 7,2% mà ngân hàng này đưa ra trước đó. Vì theo JPMorgan Chase, tuy lạm phát có chiều hướng cao hơn về cuối năm.
Nhưng với xu hướng hiện nay, JPMorgan Chase dự báo, lạm phát sẽ chỉ ở mức khoảng 7,5% vào cuối năm so với cùng kỳ năm ngoái, thay vì mức 8 - 9% như dự báo ban đầu. Tuy nhiên, mức lạm phát dự báo như vậy cũng không đủ cao để NHNN phải tăng lãi suất.
Trong khi đó, báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam vừa được ANZ đưa ra, ước đoán lạm phát tại Việt Nam đến cuối năm ở mức 7,5 - 8,5%. Hiện NHNN vẫn giữ mức lãi suất chính sách là 10% và chưa đưa ra thông tin chính sách mới, nhưng Chính phủ tỏ ý muốn giảm mức lãi suất xuống hơn nữa vào năm 2013, nên theo ANZ, NHNN có thể sẽ hạ lãi suất xuống thêm 1% vào quý IV/2012, hoặc đầu năm 2013.
Theo các chuyên gia lĩnh vực tài chính - tiền tệ, giảm trần lãi suất huy động luôn là mục tiêu, song với lạm phát kỳ vọng năm tới ở mức 8%, khả năng lãi suất tiết kiệm không còn dư địa giảm thêm, nhưng hy vọng sẽ không tăng lên so với hiện nay.
Mặc dù các ngân hàng cho biết, thanh khoản hiện đã dồi dào so với trước và tín dụng khó tăng, nhưng không phải vì thế mà có thể điều chỉnh giảm lãi suất.
Số liệu đưa ra của NHNN Chi nhánh TPHCM cho thấy, trong tháng 8 và 9/2012, huy động tiền gửi của hệ thống ngân hàng trên địa bàn giảm, nhưng tháng 10 huy động tiền gửi đã tăng trở lại. Thanh khoản của các ngân hàng trong tháng 10/2012 đã tốt lên rất nhiều so với 2 tháng trước đó, do áp lực từ thanh khoản vàng không còn.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM, huy động vốn là vấn đề sống còn của các ngân hàng, muốn đảm bảo thanh khoản tốt, đòi hỏi ngân hàng phải tăng huy động và thường theo chu kỳ vào thời điểm gần cuối năm, nhu cầu vốn của thị trường tăng, nên các ngân hàng đã tăng huy động để đáp ứng vốn cho doanh nghiệp.
Lãi suất huy động khó giảm sẽ tác động đến lãi suất cho vay. Bởi một khi chi phí huy động vốn không thể cắt giảm, các ngân hàng khó có thể mạnh tay giảm lãi suất cho khách hàng cần vốn. Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia kinh tế vĩ mô Võ Trí Thành, nếu không giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới, các nhà băng sẽ rất khó “kích” tín dụng tăng trưởng.
Đồng quan điểm, ông Minh cũng cho rằng, nếu không cắt giảm tiếp lãi suất cho vay, ngân hàng sẽ khó đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ. Trong khi, thanh khoản của ngân hàng hiện đã dồi dào so với thời gian trước đây. “Đến thời điểm này, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy lãi suất có thể giảm thêm. Tuy nhiên, các ngân hàng đã bắt đầu tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay”, ông Minh cho biết.
Nguồn Báo Đầu tư