Giá trị xuất khẩu toàn ngành dệt may của Việt Nam giảm 16,7% so với cùng kỳ. Ảnh: TL.
Khó khăn của ngành dệt may đang đi đến hồi kết
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu toàn ngành dệt may của Việt Nam giảm 16,7% so với cùng kỳ, đạt mức 21,5 tỉ USD (theo số liệu ước tính từ Bộ Công Thương). Hoạt động xuất khẩu chịu ảnh hưởng từ nhu cầu yếu tại các thị trường lớn, trong bối cảnh chi phí đi vay cao và kinh tế tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên dữ liệu qua các tháng đã cho thấy sự phục hồi, giá trị xuất khẩu toàn ngành trong tháng 7/2023 đã tăng 4,1% so với tháng trước, đạt 3,65 tỉ USD (sau khi tăng 13,2% trong tháng 6).
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán VNDirect, tình trạng tiêu thụ yếu đối với các sản phẩm may mặc mặc kéo dài khiến cho lượng hàng tồn kho của của các nhà sản xuất duy trì ở mức cao cho đến quý II/2023, dẫn đến đơn hàng mới sụt giảm và kết quả kinh doanh theo đó lao dốc tại các doanh nghiệp may. Mặt khác, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sợi đã cải thiện dần từ trong nửa đầu năm 2023 khi (1) giá nguyên liệu cotton đã giảm đáng kể so với vùng giá trong nửa đầu năm 2022 và (2) nhu cầu từ thị trường Trung Quốc trở lại.
VNDirect kỳ vọng nhu cầu cho các sản phẩm vải và may mặc tại Mỹ sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng kể từ quý I/2024 nhờ bối cảnh kinh tế vĩ mô trở nên tích cực hơn. “Chúng tôi thấy rằng công cuộc kiểm soát lạm phát của Mỹ đang tiến triển tích cực, chúng tôi kỳ vọng chu kỳ thắt chặt tiền tệ của FED sẽ đảo chiều sau năm 2023, điều này sẽ giúp dần cởi bỏ gánh nặng lên sức tiêu thụ tại các mặt hàng không thiết yếu, trong đó bao gồm quần áo và các sản phẩm khác của ngành dệt may”, VNDirect nhận định.
Giá trị xuất khẩu các sản phẩm ngành dệt may đã có sự cải thiện qua các tháng kể từ tháng 5/2023, đây được đánh giá là một tín hiệu sớm cho đà phục hồi nhu cầu tiêu thụ trong ngành này.
“Chúng tôi kỳ vọng ba phân khúc trong chuỗi giá trị sẽ lần lượt phục hồi kể từ nửa cuối năm 2023 với các động lực hỗ trợ trong ngắn và trung hạn, do đó chúng tôi cho rằng những khó khăn của ngành dệt may đang đi đến hồi kết và nhóm xơ sợi là phân khúc đầu tiên thể hiện sự phục hồi”, VNDirect nhìn nhận.
Cũng theo VNDirect, nhu cầu cho các mặt hàng ngành dệt may có xu hướng tăng cao vào quý cuối năm để phục vụ cho các dịp lễ, Tết, do đó tổ chức này kỳ vọng hoạt động xuất khẩu các sản phẩm ở khâu thượng nguồn (xơ sợi) sẽ sôi động hơn kể từ quý III/2023.
Tuy nhiên, VNDirect cho lưu ý rằng các doanh nghiệp sản xuất sợi polyester có rủi ro sẽ tiếp tục đối diện với khó khăn trong quý tới khi giá nguyên liệu đầu vào (chip nhựa sản xuất từ dầu thô) tăng trở lại. Các nguyên liệu nhựa thường phản ánh đà tăng theo giá dầu sau 3 đến 4 tháng.
Có thể bạn quan tâm: